Cân bằng nhu cầu luôn là đầu vào quan trọng cho quy hoạch ngành Điện. Cần tính toán kỹ lưỡng nhu cầu điện năng trong tương lai để xử lý bài toán cân bằng cung cầu và đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.
Biểu đồ, mà tôi lấy từ một tờ báo, đã thu hút được nhiều bình luận trái ngược nhau, thậm chí phản đối nhau gay gắt.
Các bình luận chỉ là của một số bạn nhưng nó giúp phản ánh tâm trạng của xã hội khi giá điện đang được xem xét tăng. Chẳng mấy ai muốn thanh toán hóa đơn cao hơn là điều dễ hiểu mà!
Tôi từng chứng kiến nhiều gia đình chỉ dùng một bóng điện chiếu sáng ban đêm ở những ngôi làng nghèo khó ở miền Trung nắng gió hay ở miền núi phía Bắc xa xôi. Ánh sáng èo uột đến mức công tơ gần như không quay. Giá điện tăng chắc chắn ảnh hưởng đến những người nghèo và tất nhiên đến rất, rất nhiều người khác đang trong làn sóng mất việc, dãn việc do suy giảm kinh tế. Và nhiều lĩnh vực khác.
Có lần, tôi phỏng vấn ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, vì sao giá điện ở Việt Nam thấp bậc nhất thế giới? Ông giải thích, Việt Nam phải cố giữ giá điện rẻ để “an dân và vì dân” và để thu hút vốn FDI bất chấp các quy luật thị trường.
Tuy nhiên, ông Nê, một trong những cây đại thụ của ngành năng lượng ở nước ta, nói đi nói lại một ý rằng, điện luôn luôn phải “đi trước một bước” mới đảm bảo cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu tiêu dùng của người dân. “Đó là điều cốt lõi tuyệt đối, làm gì thì làm cũng phải nhớ điều đó”, ông nói thiết tha khi kết thúc cuộc trò chuyện với tôi.
Chắc chắn, nhiều người hiểu biết và có trách nhiệm ủng hộ quan điểm của ông Nê, tất nhiên, một cách dè dặt.
Ví dụ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói “bên lề” buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 mới đây rằng, giá đầu vào tăng nên cần điều chỉnh giá điện, nhưng tăng giá điện ở mức nào thì các bộ, ngành sẽ rà soát theo đúng thực tế, sau đó “đề xuất cấp có thẩm quyền” xem xét, quyết định.
Tăng giá điện là vấn đề nhạy cảm. Lần tăng giá điện gần đây nhất là năm 2019, tức cách đây tới 4 năm trước khi khủng hoảng Covid-10 diễn ra. Rồi nó treo đó.
Đầu năm nay, Bộ Công Thương đã tính toán rằng, trong năm 2022 số lỗ của ngành điện sẽ lên tới 64.805 tỷ đồng, một con số lớn đến mức rất khó hình dung.
Tuy nhiên, số lỗ này có thể co lại còn khoảng 31.360 tỉ đồng trong cả năm nay, sau khi đã lỗ 15.758 tỉ đồng trong 10 tháng nhờ rất nhiều biện pháp như tiết giảm chi phí, mua nguyên liệu từ nguồn rẻ hơn, tối ưu vận hành hệ thống,…
Trong một lá thư phúc đáp những băn khoăn của một số học giả, chuyên gia Đào Nhật Đình viết: “Hiện tại EVN đang thua lỗ do giá than và khí quá cao, giá điện gió và mặt trời FIT cũng quá cao. Chỉ còn mỗi thủy điện phải gánh cho cả nền kinh tế”.
Giải thích này thuyết phục một cách đơn giản vì giá than nhập trên thị trường quốc tế từ mức 160 USD/tấn của tháng 9/2021 đã liên tục tăng phi mã. Thời điểm tháng 8/2022 giá than đã có lúc tăng lên hơn 400 USD/tấn.
Trong bối cảnh nhiệt điện chiếm tới 38,3% sản xuất toàn hệ thống thì càng sản xuất nhiệt điện là càng lỗ nặng khi giá bán buộc phải kìm.
Theo quy luật kinh doanh thông thường, giá bán ra phải cao hơn giá mua vào nhưng giá mua điện hiện nay đang cao hơn giá bán lẻ trong năm 2022. Đó là điều bất thường, nhất là khi cái gì cũng phải nhập khẩu theo giá quốc tế, từ nguyên liệu đầu vào, máy móc, công nghệ, con người để sản xuất điện.
Bất kỳ loại giá nào đều cũng phải tuân theo hai quy luật thị trường là quy luật cung cầu và quy luật giá trị bởi nếu phớt lờ thì thị trường gặp trục trặc ngay. Khi giá không được tính đúng, tính đủ thì việc đứt gãy đương nhiên xảy ra bất chấp mệnh lệnh hành chính hay ý chí chủ quan.
Câu chuyện giá xăng dầu mới đây là một ví dụ điển hình cho các quy luật trên. Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên từng khẳng định “lỗ thì ai làm” và đã cùng Bộ Tài chính tính toán mức chiết khấu, chi phí sản xuất hợp lý, góp phần khơi thông những đứt gãy trong cung cấp xăng dầu. Đến giờ thì xăng dầu không còn là vấn đề nóng bỏng nữa.
Điều hành giá xăng dầu là kinh nghiệm rất đáng tham khảo để điều hành giá điện, nhất là khi lạm phát vẫn còn dư địa cho năm nay. Đó là khe cửa hẹp. Vấn đề là bản lĩnh và trách nhiệm của các nhà điều hành mà thôi.
Tất nhiên, cần có những hỗ trợ tài chính cho dân nghèo vốn đã chồng chất khó khăn sau đại dịch.
Bất chợt, tôi lại nhớ tới “điều cốt lõi tuyệt đối” mà ông Thái Phụng Nê nói hôm nào. Vậy mà lâu nay, điện có “đi trước một bước” và vì sao?
Theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg năm 2017, giá điện tăng bao nhiêu đã được phân cấp rõ ràng. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ. |
Tư Giang