Áp lực vì thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt
Khi chuẩn bị tốt nghiệp, Zhao Xinli nhớ lại cảm giác “rất bối rối” về kế hoạch nghề nghiệp tương lai.
Nữ sinh chuyên ngành lịch sử có một lời mời công việc bàn giấy, nhưng hoàn toàn không liên quan đến chuyên ngành. Mặc dù ghét ý tưởng phải đảm nhận một vị trí nhàm chán nhưng Zhao cũng biết rằng thị trường việc làm đang cạnh tranh khốc liệt và việc chờ đợi một lời đề nghị tốt hơn có thể là một sai lầm lớn.
“Tôi không biết phải quyết định phải làm gì và tôi sợ sẽ lựa chọn sai lầm”, Zhao nói với tờ Sixth Tone.
Cô gái 22 tuổi cố gắng tìm lời khuyên từ mọi người xung quanh và hàng loạt trang web nhưng vô vọng. Một ngày nọ, khi lướt qua ứng dụng xã hội Xiaohongshu, Zhao tình cờ thấy một quảng cáo về dịch vụ huấn luyện cuộc sống (life-coaching).
Tò mò, Zhao đã đăng ký một cuộc tư vấn. Khóa học đã giúp cô hình thành những thái độ sâu sắc hơn và thúc đẩy Zhao đưa ra quyết định. Sau một vài buổi học, cô quyết định nhận công việc được đề nghị.
“Tôi nhận ra rằng mình không nên cố định vào cái gọi là ‘sự nghiệp lý tưởng’. Thay vào đó, tôi nên nhìn công việc đầu tiên của mình từ góc độ tích cực, tích lũy kinh nghiệm, khám phá điểm mạnh của bản thân và chuẩn bị cho công việc tiếp theo”.
Trung Quốc dự kiến đào tạo kỷ lục gần 11,6 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học vào năm 2023. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt này, việc có kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng có thể là một lợi thế rất lớn. Tuy nhiên, nhiều sinh viên Trung Quốc phàn nàn về việc các trường đại học trong nước thiếu định hướng chất lượng.
Trên nền tảng Weibo, những bình luận có lượt bình chọn cao nhất đánh giá về các lớp lập kế hoạch nghề nghiệp ở trường học mô tả chúng là “không hữu ích” và “siêu nhàm chán”.
Điều này đã mở ra cơ hội cho ngành huấn luyện cuộc sống. Mạng Xiaohongshu có rất nhiều bài đăng của những người trẻ chia sẻ kinh nghiệm tư vấn huấn luyện cuộc sống cũng như hành trình trở thành huấn luyện viên cuộc sống của chính họ.
Không rõ chính xác có bao nhiêu khóa học huấn luyện cuộc sống ở Trung Quốc, nhưng ngành này đang phát triển nhanh chóng. Số lượng huấn luyện viên cuộc sống từ Trung Quốc đăng ký với Liên đoàn Huấn luyện Quốc tế (International Coaching Federation) đã tăng gấp 4 lần, tăng từ 346 lên 1.383 từ năm 2017-2022. Trên thực tế, số lượng huấn luyện viên hành nghề có thể còn lớn hơn nhiều vì quản lý lỏng lẻo.
Chloe Chan, huấn luyện viên cuộc sống, có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết số lượng khách hàng trẻ Trung Quốc tìm đến cô để xin lời khuyên đã liên tục tăng. Sự gia tăng này không chỉ do thị trường việc làm khó khăn mà sinh viên tốt nghiệp ngày nay thường bị đè nặng bởi vô số ý tưởng nghề nghiệp mà họ nhìn thấy trên mạng xã hội.
“Họ nhìn thấy nhiều khả năng hơn, họ có nhiều ý tưởng hơn. Vì vậy, họ cần ai đó hướng dẫn hoặc truyền cảm hứng”.
Cô nói rằng 8 trong số 10 người đang phải vật lộn với chứng trầm cảm và cần gặp một cố vấn tâm lý hơn là một huấn luyện viên cuộc sống.
“Nếu bạn lo lắng, tâm trạng của bạn rất tiêu cực. Khi bạn trở lại bình thường, bạn ở mức 0. Tôi không thể giúp bạn đi từ âm về 0, nhưng tôi có thể đưa bạn từ 0 lên 1”, Chan thường nhắc nhở khách hàng.
Jiang Zhou, 26 tuổi, đến buổi tư vấn đầu tiên vào đầu năm nay, sau khi kế hoạch cuộc đời của anh tan vỡ. Jiang đã từng hy vọng sẽ định cư lâu dài ở Hà Lan sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tài chính, nhưng không tìm được công việc phù hợp và cuối cùng phải quay trở lại Trung Quốc.
Trở về nhà, Jiang cảm thấy “lạc lõng” và không biết phải làm gì tiếp theo. Một người bạn đề nghị anh thử nói chuyện với một huấn luyện viên cuộc sống.
Jiang đã nói chuyện với không phải 1 mà là 4 huấn luyện viên cuộc sống khác nhau, với mức giá lên tới 500 NDT (khoảng 1,6 triệu đồng)/giờ. “Đó là một trải nghiệm tinh thần tuyệt vời”. Hiện anh sống ở thành phố Đại Lý và làm việc với tư cách là một nhà trị liệu nghệ thuật.
Tâm sinh lý Gen-Z phức tạp và chịu nhiều áp lực hơn thế hệ trước
Tuy nhiên không phải ai cũng bị thuyết phục. Các huấn luyện viên cuộc sống nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp này ở Trung Quốc vẫn còn “non nớt”: Quy định lỏng lẻo, huấn luyện viên thường thiếu kinh nghiệm và khách hàng thường không chắc chắn họ muốn đạt được gì từ buổi tư vấn.
Đối với các huấn luyện viên cuộc sống, thế hệ sinh viên mới tốt nghiệp Trung Quốc thường là nhóm khách hàng khó phục vụ. Scarlett Huo, một huấn luyện viên cuộc sống được chứng nhận có trụ sở tại Bắc Kinh, nói rằng hầu hết khách hàng của cô đều ở độ tuổi từ 25-30 và muốn được giúp đỡ trong quá trình chuyển đổi nghề nghiệp.
Theo Huo, nhóm này có xu hướng cảm thấy bối rối hơn so với các thế hệ trước. Họ không chỉ đang cố gắng xoay xở với di chứng của một nền kinh tế hậu đại dịch mà cũng hoang mang trước hàng loạt lời khuyên nghề nghiệp thường khó hiểu hoặc mâu thuẫn.
“Một trong những vấn đề mà giới trẻ ngày nay phải đối mặt là họ có quá nhiều thông tin. Họ có những kế hoạch lớn lao nhưng lại có rất ít kỹ năng”, Huo nói.
Huo lấy ví dụ về một khách hàng 26 tuổi bị ám ảnh bởi ý tưởng trở nên độc lập về tài chính ở tuổi 35. Người này chịu ảnh hưởng của phong trào độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm (FIRE) đã thu hút được sự chú ý lớn trên mạng xã hội Trung Quốc.
Huo nói rằng nghỉ hưu sớm là một mục tiêu tích cực cần đặt ra, nhưng cam kết thực hiện mà không suy nghĩ kỹ thường dẫn đến sự thất vọng.
“Khi bạn đặt mục tiêu quá quyết liệt và không đạt được kết quả nhanh chóng, bạn rất dễ nản lòng”. Cô cố gắng giúp khách hàng này tìm thấy lý tưởng sống của họ và hiểu sâu hơn về bản thân cũng như các lựa chọn nghề nghiệp.
Từ năm 2015-2019, số lượng huấn luyện viên chuyên nghiệp trên toàn thế giới đã tăng 33% trên toàn cầu, theo báo cáo năm 2020 của Liên đoàn Huấn luyện quốc tế (ICF). ICF ước tính ngành công nghiệp huấn luyện chuyên nghiệp toàn cầu trị giá 2,85 tỉ USD, với 71.000 huấn luyện viên chuyên nghiệp trên toàn thế giới. Nhu cầu đặc biệt tăng cao trong và hậu đại dịch Covid-19.
Tử Huy