Chuyên gia Hồng Thái Hùng, giảng viên về giáo dục và truyền thông dinh dưỡng Đài Loan, chia sẻ chuối rất giàu kali, có thể điều chỉnh nhịp tim và huyết áp; magiê có lợi cho sức khỏe của xương và chức năng hệ thần kinh; vitamin C có thể tăng cường hệ thống miễn dịch và chống nhiễm trùng; vitamin B6 có thể giúp cơ thể tổng hợp protein và hồng cầu, duy trì chức năng bình thường của hệ thống thần kinh và hệ thống miễn dịch.
Theo Ettoday, chuyên gia Hồng Thái Hùng nói thêm chuối cũng chứa tryptophan, chất có thể tổng hợp serotonin, chất dẫn truyền thần kinh ổn định tâm trạng và điều hòa giấc ngủ, vì vậy ăn chuối giúp thúc đẩy giấc ngủ. Ông cũng khuyên nên ăn chuối trong vòng 2 đến 3 giờ sau bữa tối, khi lượng đường trong máu giảm dần giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn các chất dinh dưỡng trong đó, đồng thời có thể kiểm soát được cơn thèm ăn, tránh ăn nhiều thực phẩm khác vào ban đêm gây hại sức khỏe.
Tuy nhiên, nếu bạn gặp vấn đề về giấc ngủ, ngoài việc ăn chuối, bạn cũng nên điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt và hình thành thói quen ngủ tốt.
Mức độ chín của chuối có tác dụng khác nhau
Chuyên gia Hồng Thái Hùng cho biết, chuối được chia làm 4 mức độ chín khác nhau: Chuối xanh, chuối chín vàng, chuối chín trứng cuốc và chuối chín rục. Mỗi mức độ chín sẽ có nhứng tác dụng khác nhau đối với sức khỏe.
Chuối xanh
Chuối xanh rất giàu tinh bột. Đây thường được coi là một loại chất xơ. Vì vậy, bạn sẽ cảm thấy nhanh no khi ăn chuối xanh. Chuối xanh nạp vào cơ thể ít calo hơn các loại chuối khác vì vậy hỗ trợ quá trình giảm cân. Hàm lượng tinh bột trong chuối xanh góp phần vào kết cấu dẻo dính của nó. Những quả chuối không mềm như chuối chín, hoàn hảo cho việc nấu ăn do chúng có thể hấp thu nhiệt.
Tuy nhiên, bạn lại có thể bị đầy hơi, nặng bụng do chuối xanh có hàm lượng tinh bột khá cao; mang bản chất phản tính, không tốt cho ruột non. Chuối xanh có vị chát, ít đường nên hơi khó ăn nếu không chế biến.
Chuối chín vàng
Chuối chín vàng ít tinh bột và nhiều đường hơn chuối xanh. Chuối chín vàng giúp hệ tiêu hóa hoạt động dễ dàng hơn, ruột hấp thu dinh dưỡng nhanh hơn. Khi chín dần, chuối sẽ mất đi nhiều vi chất dinh dưỡng. Nhưng bù lại, chuối chín có nồng độ các chất chống oxi hóa cao.
Sự chuyển đổi dần dần này khiến chuối trở nên mềm và ngọt hơn. Trong khi chuối vàng có chỉ số đường huyết cao hơn, dễ tiêu hóa hơn. Với ít tinh bột cần phải phá vỡ, hệ thống tiêu hóa sẽ hấp thụ các chất dinh dưỡng nhanh hơn. Đồng thời, chất chống oxy hóa được gia tăng dần, rất tốt cho hệ thống miễn dịch.
Lưu ý, bảo quản chuối trong tủ lạnh để tránh mất dinh dưỡng. Tuy quả chuối vẫn sẽ mất một số vi chất, song tốc độ sẽ chậm hơn nhiều.
Chuối đốm trứng cuốc
Có vẻ độ chín này của chuối được mọi người khá ưa chuộng, chuối sẽ có hương thơm đặc trưng, ngon và ngọt hơn. Những đốm đen trên chuối là dấu hiệu của sự chuyển hóa tinh bột thành đường. Số lượng các đốm càng nhiều trên một quả chuối thì lượng đường càng nhiều.
Theo nhiều nghiên cứu, chuối đốm trứng cuốc rất giàu chất chống oxy hóa, có tác dụng phần nào ngăn ngừa, chống lại tế bào ung thư. Loại chuối này còn sinh ra các thành phần ngăn ngừa thiếu máu, trầm cảm, ợ nóng và giúp cơ thể ổn định huyết áp…
Chuối chín rục
Những quả chuối có thể quắt lại và nhũn. Nhưng khoan vứt bỏ, vì chúng đã trở thành “kho báu” chất chống oxy hóa. Tính chất mềm và ngọt của chuối nâu khiến chúng trở nên hoàn hảo để nghiền, làm cho một số món ăn ngon và bổ. Bạn có thể làm bánh mì chuối hoặc thậm chí là bánh ngọt, ngâm rượu chuối, cũng rất bổ.
Tuy nhiên, lượng đường trong chuối lúc này đạt mức cao nhất, không phù hợp với người bị tiểu đường hoặc các chứng bệnh khác như: tim mạch, bệnh thận, tiêu chảy,...
Hà Vũ