Các loại đậu thường được đưa vào chế độ ăn uống cân bằng và tốt cho tim vì có nhiều chất xơ, tăng cường protein. Đậu nành có thể được sử dụng làm chất thay thế thịt do hàm lượng protein cao. Theo Healthline, đậu tốt hơn hẳn thịt đỏ vì có ít cholesterol và chất béo bão hòa. Bạn cũng có nhiều lựa chọn phong phú như đậu đen, đậu xanh, đậu lăng, đậu nành…
Mặc dù đậu rất tốt cho hầu hết mọi người nhưng lại chứa các hóa chất như purin, tyramine và oligosaccharide có thể ảnh hưởng tới một số bệnh nhân. Đó là tác nhân gây ra bệnh gout, chứng đau nửa đầu và hội chứng ruột kích thích (IBS).
Gây ra bệnh gout
Theo Mayo Clinic, bệnh gout là chứng rối loạn gây đau đớn trong đó sự tích tụ axit uric tạo thành các tinh thể urat trong khớp, gây đau khớp dữ dội, viêm, tấy đỏ khiến cử động khó khăn.
Cơ thể liên tục sản xuất axit uric do purin trong thức ăn bị phân hủy. Nếu purin ở mức cao sẽ gây ra bệnh gout. Purin có trong đậu lăng, đậu xanh, cá cơm, cá ngừ và thịt đỏ. Do đó, các chuyên gia khuyên những người có nguy cơ mắc bệnh gout nên hạn chế các thực phẩm trên.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu được công bố trên Frontiers in Nutrition, mặc dù giàu purin, nhưng đậu có khả năng làm giảm nồng độ axit uric máu đồng nghĩa với giảm nguy cơ gây ra bệnh gout. Vì cần nhiều nghiên cứu hơn nên bạn hãy thận trọng khi ăn đậu bằng cách chỉ tiêu thụ ở mức độ vừa phải.
Chứng đau nửa đầu
Hầu hết mọi người đều từng trải qua những cơn đau đầu. Thông thường, bạn chỉ cần uống thuốc giảm đau và khỏi trong ngày. Nhưng nhiều người bị đau nửa đầu đến mức suy nhược với các triệu chứng như nôn mửa, nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng, giảm thị lực và tê liệt có thể kéo dài trung bình từ 4 đến 72 giờ.
Theo Hiệp hội Rối loạn Đau nửa đầu, không giống như cơn đau đầu thông thường, chứng đau nửa đầu dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân cụ thể như căng thẳng, rượu, dao động nội tiết tố, một số loại thực phẩm như đậu.
Tyramine trong một số loại đậu có thể gây ra chứng đau nửa đầu không ngừng. Lý do là tyramine cần monoamine oxidase để phá vỡ nhưng những người mắc chứng đau nửa đầu có thể không có đủ loại enzymen này.
Hội chứng ruột kích thích
Theo Healthline, oligosaccharide (carb tự nhiên) trong đậu kích hoạt hội chứng ruột kích thích vì chống lại các enzyme tiêu hóa trong ruột.
Nguyên nhân của hội chứng ruột kích thích có thể rất mơ hồ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định cấu trúc của ruột, nhiễm trùng, các vấn đề về hệ thần kinh và vi khuẩn đường ruột có thể là nguyên nhân. Hội chứng ruột kích thích gây ra một số triệu chứng như táo bón, tiêu chảy, chuột rút, cảm giác no, đầy hơi và đau.
Thực phẩm có thể là tác nhân kích thích, vì vậy tránh xa bất cứ thứ gì có thể khiến đường ruột của bạn cảm thấy bất ổn. Hạn chế ăn nhiều đậu, nên ngâm qua đêm hoặc cắt bỏ hoàn toàn sẽ giúp ích cho người bị hội chứng trên.