An Giang đã công bố Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu chung của kế hoạch là nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền về vai trò kinh tế tập thể nhằm huy động sức mạnh tổng hợp đẩy nhanh phát triển các tổ chức đại diện nông dân gắn với thực hiện liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Phát triển các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) nông nghiệp gắn với tổ chức sản xuất 06 ngành hàng chủ lực của tỉnh gồm lúa gạo (nếp), rau màu, cá tra, xoài, heo, bò và các sản phẩm tiềm năng khác theo xu thế liên kết, ứng dụng công nghệ mới.
Đồng thời, đổi mới phương thức và hình thức hoạt động của các HTX, THT theo hướng hiện đại, hiệu quả, xóa bỏ tư duy bao cấp, lạc hậu. Phát triển mối quan hệ sản xuất giữa hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp dựa trên nguyên tắc thị trường, đôi bên cùng có lợi; tổ chức hoạt động của các HTX, THT gắn với liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ các ngành hàng chủ lực theo hướng chuyên canh, quy mô công nghiệp và phù hợp kinh tế thị trường, đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19.
Kế hoạch đặt ra 8 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, trong đó có ứng dụng khoa học công nghệ. UBND tỉnh An Giang yêu cầu nghiên cứu phát triển hệ thống thu thập xử lý dữ liệu, dự báo thị trường nông sản đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời để các bên tham gia chuỗi giá trị (HTX, THT, doanh nghiệp) và cơ quan quản lý nhà nước có thể tiếp cận nguồn thông tin đáng tin cậy phục vụ quá trình ra quyết định, nâng cấp chuỗi giá trị nông sản chủ lực phát triển hiện đại và bền vững.
Với nhiệm vụ này, giao cho Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Liên minh HTX tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện; thời gian thực hiện trong quý II/2022.
Cùng với đó, khuyến khích HTX ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất tiên tiến, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO, G.A.P, …); tiêu chuẩn trong nước và quốc tế (VietGAP, GlobalGAP, ASC, …), áp dụng mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng. Tổng hợp nhu cầu đầu tư từ HTX, THT, doanh nghiệp để hướng dẫn tiếp cận chính sách hiện hành và đề xuất thêm cơ chế của tỉnh để hỗ trợ.
UBND tỉnh yêu cầu xây dựng, vận hành, vận hành, duy trì và phát triển website quảng bá sản phẩm chủ lực, quản lý cơ sở dữ liệu và thông tin giá cả, thị trường nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, khoa học công nghệ vào quá trình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện; thời gian thực hiện trong quý II/2022.
Ngoài ra, tập trung xây dựng các điểm truy cập Internet tại 11 câu lạc bộ thành viên HTX nông nghiệp tại các huyện, thị xã: Tân Châu, Chợ Mới, Thoại Sơn, Tri Tôn, Châu Phú, Châu Thành, Phú Tân nhằm phục vụ tra cứu thông tin và tìm kiếm thị trường, giao dịch nông sản qua trang thương mại điện tử, thanh toán điện tử.
Cuối cùng, tổ chức các hội thảo, diễn đàn, khảo sát thực tế gắn kết hợp tác 5 nhà (nhà khoa học - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nông - nhà tín dụng) để có giải pháp phù hợp trong xây dựng và phát triển chuỗi giá trị bền vững.
Theo Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản”, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã; góp phần tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cho nông sản Việt Nam.