Năm 1912, chiếc tàu Titanic đăng ký ở Liverpool (Anh) trước chuyến hành trình đầu tiên và duy nhất. Cũng tại thành phố cảng này vào năm đó, John Tinniswood chào đời và 111 năm sau, trở thành người đàn ông sống thọ nhất thế giới.
Ông Tinniswood sinh ngày 26/8/1912, thọ 111 tuổi. Kỷ lục Guinness Thế giới tuyên bố ông là người đàn ông cao tuổi nhất thế giới hồi đầu tháng 4. Trước đó, người giữ danh hiệu này, Juan Vicente Pérez Mora người Venezuela, qua đời ở tuổi 114 và 311 ngày.
Tinniswood cũng là nam cựu chiến binh Thế chiến thứ hai sống lâu nhất trên thế giới. Trong thời chiến, ông làm công việc liên quan đến kế toán và hậu cần, bao gồm tổ chức cung cấp thực phẩm và xác định vị trí của những người lính mắc kẹt. Hòa bình lập lại, ông làm kế toán và hành chính cho dịch vụ bưu chính Royal Mail, cũng như Shell và BP trước khi nghỉ hưu năm 1972.
Cuộc hôn nhân của ông Tinniswood và vợ là bà Blodwen kéo dài 44 năm cho tới khi bà mất năm 1986. Hai vợ chồng có bốn đứa cháu và ba chắt.
Theo Kỷ lục Guinness Thế giới, các nhân viên tại viện dưỡng lão mô tả ông Tinniswood là một người nói nhiều. Ở tuổi 111, ông vẫn năng động và sống độc lập, quản lý tài chính của mình và tự ra khỏi giường mà không cần sự trợ giúp.
Ông Tinniswood không quá bận tâm trước danh hiệu mới của mình: "Kỷ lục này không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào đối với tôi cả”.
Lời khuyên của cụ ông già nhất thế giới
Làm mọi việc có chừng mực là lời khuyên lớn nhất của Tinniswood dành cho những người muốn sống lâu như ông.
“Nếu bạn uống quá nhiều, ăn quá nhiều hoặc đi bộ quá nhiều, nếu bạn làm quá nhiều bất cứ điều gì, cuối cùng bạn sẽ phải nhận hậu quả. Vì vậy, đừng bao giờ gây áp lực quá lớn cho cơ thể của bạn”, ông Tinniswood nói với BBC.
Ông không tuân theo một chế độ ăn kiêng cụ thể nào: "Tôi ăn những gì họ đưa cho tôi và những người khác cũng vậy". Mỗi tối thứ 6, ông thường ăn món cá và khoai tây chiên truyền thống của Anh.
Ông không hút thuốc và hiếm khi uống rượu, được cho có tác dụng kéo dài tuổi thọ.
Năm 2022, ông Tinniswood nói rằng điều quan trọng là phải mở rộng tầm nhìn của bạn. “Đừng lúc nào cũng chỉ tập trung vào một việc, nếu không bạn sẽ đi vào con đường hẹp”, ông nói.
“Nhưng dù bạn đang làm gì, hãy luôn cố gắng hết sức có thể, cho dù bạn đang học điều gì đó hay đang dạy ai đó. Hãy cống hiến tất cả những gì bạn có”, cụ cao niên khuyên. Suy nghĩ của ông Tinniswood đồng nhất với các nghiên cứu liên kết tư duy tích cực và ý thức về mục đích với tuổi thọ.
Tuy nhiên, cuối cùng, Tinniswood cho rằng ông sống thọ do may mắn thuần túy: “Bạn không thể làm được gì nhiều để tác động tới chuyện sống thọ hay không”.