Nằm bên bờ sông Thao, làng Lời (xã Vĩnh Lại, Lâm Thao, Phú Thọ) nổi tiếng là “ngôi làng trường thọ” khi các cụ già vẫn đạp xe, ăn trầu, làm thơ ở tuổi bách niên.
LỜI TÒA SOẠN
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, với hơn 11,4 triệu người cao tuổi. Tuổi thọ trung bình của người Việt ngày càng tăng, năm 2023 là 73,7 tuổi, tương đối cao so với các quốc gia có cùng mức sống.
Tuy nhiên, người cao tuổi nước ta lại có chất lượng sống chưa cao. Vì thế, quan tâm đến cuộc sống của người cao tuổi không chỉ về sức khỏe thể chất mà còn cả yếu tố tinh thần, tâm lý là rất quan trọng.
VietNamNet đăng tải tuyến bài "Tôi trăm tuổi", giới thiệu về cuộc sống vui, khỏe, có ích và truyền cảm hứng của những người cao niên sinh từ năm 1924 trở về trước.
Một chiều tháng ba, khi được hỏi về danh sách những cụ cao niên trên 100 tuổi ở thôn Lời (xã Vĩnh Lại), bà Nhữ Thị Hảo, cán bộ phụ trách dân số thôn nói "nhiều cụ lắm, phải lật sổ ra mới có số liệu chính xác".
Theo thống kê mới nhất, riêng thôn Lời có 646 nhân khẩu thì có tới 175 người cao tuổi. Bà Hảo cho biết, vì có nhiều người sống thọ nên xa gần đều gọi nơi đây là ngôi làng trường thọ của huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Yếu tố giúp người dân trong làng sống lâu là môi trường sạch, ăn uống sạch, sống hiền hòa và đặc biệt được sự quan tâm của con cháu, hàng xóm láng giềng.
Cụ bà 105 tuổi vẫn nhặt rau, làm cỏ
Đón tuổi 105 bên con cháu trong ngôi nhà gồm 4 thế hệ, cụ Nguyễn Thị Hậu dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng giọng nói vẫn vang, tiếng cười giòn giã và có một trí nhớ minh mẫn. Cụ Hậu có thể kể rõ tên từng người con, cháu, hàng xóm và những câu chuyện từ hàng chục năm trước không thiếu đi dù là một chi tiết nhỏ.
Những lần đi thăm khám ở cơ sở y tế cho thấy, cụ Hậu không có bất kỳ vấn đề gì về tim mạch, huyết áp.
Vừa ngồi giã trầu, bà Lê Thị Tính, con gái cụ Hậu vừa nói vui: "Đây là món ăn mẹ tôi không thể thiếu trong suốt hơn 80 năm qua, nhờ đó mà mẹ hiếm khi bị ho và có hệ tiêu hóa rất tốt".
Bà Tính cho biết, hơn 100 tuổi nhưng mẹ mình vẫn có thể ăn uống bình thường. Người già thường thích yên tĩnh nhưng đó lại là điều khiến cụ Hậu cảm thấy buồn chán. Chính vì vậy, cụ vẫn ăn cơm cùng đại gia đình để có thêm thời gian trò chuyện với con cháu, hỏi han về công việc, vấn đề học tập của từng thành viên. Đây chính là cách để cụ kết nối với thế hệ trẻ và giữ cho mình tinh thần lạc quan, vui tươi, rèn trí nhớ tốt hơn.
Nhìn mẹ già 105 tuổi, bà Tính cười mỉm đầy hạnh phúc. Bà Tính tâm sự, cụ Hậu là con gái nhà nghèo, vất vả làm lụng với nghề nông ngay khi còn nhỏ nên đã quen với công việc. Tới giờ, dù tuổi cao, cụ Hậu vẫn không chịu ngồi yên một chỗ, giúp con cháu những việc nhẹ, thậm chí còn ra vườn làm rau, nhặt cỏ... Cụ bảo làm những việc ấy để thay cho đi bộ, tập dưỡng sinh, vừa được việc vừa có sức khỏe.
Cùng có sở thích ra vườn trồng rau, vợ chồng cụ Nguyễn Văn Phu (93 tuổi) và cụ Nguyễn Thị Mão (89 tuổi) vẫn đều đặn mỗi ngày đi thăm vườn. Cụ Phu kể: “Những việc này vừa giúp đỡ cho con cháu lại vừa đem lại niềm vui giản dị cho vợ chồng tôi lúc già”.
Nếu một ngày không ra khỏi nhà, đi bộ và trò chuyện với mọi người, hai cụ sẽ cảm thấy đó là một ngày chưa trọn vẹn. Cụ ông 93 tuổi khẳng định, giữ tinh thần lạc quan là điều quan trọng nhất để sống khỏe bên người bạn đời và con, cháu.
Cụ ông 95 tuổi đạp xe, làm thơ
Trên hành trình khám phá ngôi làng trường thọ, chúng tôi ghé thăm nhà vợ chồng cụ Nguyễn Văn Đạm (95 tuổi) và cụ Đào Thị Hịch (96 tuổi).
Ở độ tuổi gần bách niên nhưng hai cụ vẫn tự nấu cơm nước, lo sinh hoạt cá nhân hằng ngày. Đặc biệt, cụ Đạm còn thỉnh thoảng viết thơ tặng vợ và các con, cháu. Cụ Đạm có trí nhớ đáng nể khi đọc được bài thơ tặng vợ cách đây 70 năm.
Cuộc sống hằng ngày của cụ Đạm diễn ra bình yên. Thị lực rất tốt nên cụ có thói quen đọc báo, xem vô tuyến mà không cần đeo kính. Cụ còn sử dụng thành thạo tivi có kết nối Internet để xem các chương trình trên nền tảng mạng xã hội.
Khi được hỏi về bí quyết để luôn có sức khỏe tốt như hiện nay, cụ Đạm chỉ ngay vào chiếc xe đạp đã gắn bó bao nhiêu năm qua. Cụ bảo: “Chiếc xe cùng tôi đi thăm con cháu, bạn bè mỗi ngày, cũng giúp tôi rèn luyện sức khỏe”.
Theo chia sẻ của cụ Đạm, trong làng Lời, những người như cụ không hiếm. Để chứng minh lời nói của mình, cụ lần lượt dẫn phóng viên đến thăm nhiều người cao niên trong làng. Đó là các cụ: Nguyễn Văn Chi (95 tuổi), Đào Thị Bảo (96 tuổi), cụ Nguyễn Thị Nhật (94 tuổi) và nhiều cụ trên 90 tuổi khác. Các cụ đều khỏe mạnh, minh mẫn và am tường chuyện làng trên xóm dưới.
Làm công tác dân số nhiều năm nay, bà Nhữ Thị Hảo cho biết, người trong làng ai cũng tự hào vì “truyền thống thượng thọ” của các cụ trong làng, đặc biệt khi thôn có tỷ lệ người cao tuổi đứng đầu toàn xã. Các cụ cao niên trong thôn là nhân chứng sống để lớp trẻ được nghe và hiểu rõ hơn về những nét văn hóa của làng nghề đan lưới gai, thấy được giá trị truyền thống của con người trải qua biết bao thế hệ. Các cụ còn là tấm gương để lớp trẻ noi theo lối sống thiện lương, tình làng nghĩa xóm và tự ý thức bản thân giữ gìn sức khỏe, sinh hoạt lành mạnh.