"Cuộc chiến" khốc liệt
"Cuộc chiến" về giá trên thị trường bán lẻ công nghệ bắt đầu cách đây vài tháng khi Thế Giới Di Động (MWG) triển khai các chương trình giảm giá sốc, cùng với những tuyên bố rất mạnh từ Chủ tịch Nguyễn Đức Tài.
Ngay thềm nghỉ lễ 30/4, MWG rầm rộ phát động chiến dịch “Giá rẻ quá”, trong đó Tivi, hàng điện gia dụng giảm sốc đến 50%. Một số mặt hàng được bán với “giá rẻ như cho” như chảo và sạc dự phòng 10.000 đồng/chiếc.
Đây là chiến dịch giảm giá sâu và đồng loạt hiếm hoi mà Thế Giới Di Động thực hiện trong nhiều năm qua. Điều này trái ngược với những gì mà người tiêu dùng thường thấy ở MWG là giá hàng hóa thường khá cao so với mặt bằng chung và dịch vụ tốt.
Cú “quay xe” bất ngờ của đại gia số 1 trong lĩnh vực bán lẻ các sản phẩm điện thoại, điện tử, hàng gia dụng làm rúng động thị trường và khiến các đối thủ ngay lập tức có các chương trình giảm giá phản đòn.
Ngay lập tức, FPT Shop khiêu chiến bằng khẩu hiệu “Ở đâu rẻ quá ở đây rẻ hơn”. Di động Việt gây chú ý với chiến dịch “Rẻ hơn cả các loại rẻ”….
Đầu tháng 6, Thế Giới Di Động tiếp tục đại chiến hạ giá, tung chương trình “Nâng tầm không gian - Thể hiện đẳng cấp - Giá bao chấp” với lời khẳng định “Hoàn tiền nếu ở đâu rẻ hơn”. Chương trình áp dụng đối với các sản phẩm điện tử, điện lạnh cao cấp, giảm giá hàng chục triệu đồng, tương đương khoảng 20% cho nhiều sản phẩm cao cấp…
Cuộc chiến đang chuyển sang một hướng khác khi Thế Giới Di Động tung chiêu bài mới mang tên “mở bán đặc biệt” với hàng loạt mẫu smartphone mới ra mắt trên thị trường như Realme C53, vivo Y36, Xiaomi Redmi 12. Nhiều khả năng, vào cuối tháng, MWG có thể bắt tay với OPPO. Ngoài ra, MWG có thể sẽ triển khai với một số thương hiệu laptop như MSI, Asus, HP và Acer.
Các chương trình “ký kết hợp tác chiến lược và mở bán đặc biệt” được xem như một dạng “độc quyền”. Các sản phẩm này chỉ được bán tại hệ thống của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. Các hệ thống cửa hàng khác đều không đề cập, không có giá bán, thông tin sản phẩm.
Chiến dịch bán hàng giá rẻ của Thế Giới Di Động giúp doanh thu của doanh nghiệp này tăng mạnh trở lại trong tháng 4, sau khi rơi về vùng đáy 4 năm tại tháng 3/2023.
Cụ thể, doanh thu tháng 4 của MWG đạt 9.900 tỷ đồng, tăng 23% so với tháng 3/2023. Doanh thu của MWG có thể tăng mạnh trong tháng 5 và 6, khi đây là cao điểm chiến dịch hạ giá của doanh nghiệp này.
So găng sức mạnh của các nhà bán lẻ
Có thể thấy, hiếm khi nào các ông lớn bán lẻ tại Việt Nam lại đồng loạt tuyên chiến giảm giá như thời điểm hiện nay. Nhiều loại điện thoại giảm giá rất mạnh. Các tín đồ Apple cũng chưa bao giờ thấy sản phẩm này xuống giá đến vậy.
Thực tế, cuộc chiến về giá có thể khiến chất lượng dịch vụ bị ảnh hưởng. Các hệ thống bán lẻ khác chịu sức ép rất lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh sức cầu tiêu dùng thấp và các doanh nghiệp sa thải lượng lớn nhân viên, xu hướng này có thể là tất yếu.
Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2023, Chủ tịch Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài cho biết, MWG sẽ có chính sách giá bán các sản phẩm Apple cạnh tranh hơn, sau một thời gian dài bị đối thủ lấn lướt.
Đây cũng là điều mà Chủ tịch FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp đề cập tới tại ĐHCĐ năm nay. Bà Điệp thừa nhận trong ngắn hạn, FPT Shop cũng sẽ hạ giá để bán được hàng.
Sau nhiều năm tăng trưởng, thị trường điện thoại di động tại Việt Nam có dấu hiệu hụt hơi, sụt giảm mạnh, đặc biệt ở phân khúc tầm trung và giá rẻ. Trong 2 tháng đầu năm, ngay mùa cao điểm bán hàng Tết, doanh số điện thoại giảm hàng chục phần trăm so với cùng kỳ.
Trên thị trường, MWG hiện là doanh nghiệp có doanh thu và thị phần lớn nhất, chiếm trên 50%.
Trong năm 2022, MWG ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (tất cả các mảng) đạt hơn 134.722 tỷ đồng (hơn 6 tỷ USD) và lợi nhuận sau thuế hơn 4.100 tỷ đồng. Trong khi đó, FPT Retail ghi nhận doanh thu hơn 30.276 tỷ đồng.
Riêng về mảng điện thoại di động, FPT Shop có hệ thống gần 1.000 cửa hàng trên toàn quốc. Trong khi MWG cũng có quy mô gần tương tự.
Hoàng Hà Mobile hiện cũng là nhà bán lẻ điện thoại, máy tính, phụ kiện di động lớn trên thị trường. Doanh nghiệp này không công bố doanh thu nhưng được biết đến là đơn vị có chuỗi hệ thống bán lẻ ở nhiều thành phố lớn, cửa hàng nhỏ nhưng giá tốt. Hoàng Hà Mobile cũng là nhà bán lẻ ủy quyền chính thức của Apple tại Việt Nam. Bên cạnh hơn 120 chi nhánh trên toàn quốc, Hoàng Hà còn có nhiều kênh bán hàng online khác như là Website, Facebook, Instagram, Shopee, Lazada, TikTok.
Di Động Việt có chuỗi khoảng hơn 60 cửa hàng bán lẻ các sản phẩm công nghệ
Trên thị trường cũng có một số doanh nghiệp bán lẻ di động khác như ShopDunk, CellphoneS...
Về mảng phân phối, CTCP Thế Giới Số - Digiworld Coporation (DGW) và Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí - Petrosetco (PET), FPT Shop… là các đại diện. Các doanh nghiệp này gần đây cũng ghi nhận doanh thu giảm và bị cạnh tranh từ cả các nhà bán lẻ.