cBối cảnh các câu chuyện ở vùng nông thôn miền Trung, nơi cuộc sống còn gian khó nhưng các hệ giá trị văn hóa truyền thống luôn được giữ gìn. Không khí ngày Tết cổ truyền ở làng quê Việt ăm ắp trong từng trang sách, cùng với các nhân vật thú vị, những tình tiết ly kỳ.  

00172240b875132b4a643.jpg

Xoay quanh cây mai vàng đã xuất hiện biết bao nhiêu chuyện độc đáo. Trong khó khăn, có người phải cắt một cành mai đem bán lấy tiền sắm Tết. Lại có nhà bán cây mai rồi nhưng khi đào gốc phát hiện ra một bí mật được chôn giấu cả nửa thế kỷ. Và giữa chợ hoa Xuân hối hả, những người bán buôn thất bát bỗng nhặt được gói tiền…  

Tập truyện ngắn sẽ đưa người đọc theo hành trình về quê ăn Tết của những con người tha hương, một chuyến tàu thôi cũng chuyên chở đủ thứ chuyện đáng bận tâm. Những cuộc đoàn tụ, chia ly trước và sau Tết để lại bao vấn vương, tình người. Chuyện nợ nần cuối năm khiến người ta phải chạy đôn chạy đáo, có khi bỏ xứ mà đi… 

Bằng những chi tiết độc đáo, riêng có của ngày Tết miền Trung, với giọng kể dí dỏm lôi cuốn, kết thúc khó đoán định, nhà văn Hoàng Công Danh đã tạo nên bầu không khí vừa bi, vừa hài, vừa lôi cuốn, vừa nghiêm túc trong tập sách. Hơn hết, trên những buồn vui cuộc đời là thông điệp nhân văn mà con người trao gửi cho nhau.   

e3d7c40e5f3bf465ad2a5.jpg

Tết là thời gian mọi người rộng lòng hơn với nhau và với cuộc đời. Cuốn sách Bán một cành mai ăn Tết đã thể hiện đúng tinh thần đó. Những con người ngày thường đôi khi dè chừng, tức bực, vụn vặt,... nhưng cũng dễ mềm lòng trước đồng bào vào khoảnh khắc Xuân về Tết đến. Năm qua có khó khăn thất bại, vẫn có thể san sẻ với nhau một chút gì, dù chỉ là vài lời tử tế để còn nuôi hy vọng cho năm sau, sau nữa…

Truyện ngắn Bán một cành mai ăn Tết dựng nên khung cảnh chợ đầy ắp hoa và hy vọng Tết đủ đầy của bao nhiêu người, trong đó có một cụ già mang bán một cành mai vườn và một anh chàng đã thất vọng tới nỗi chỉ mong trúng số vớt vát cho một năm tay trắng. 

Không có kết thúc có hậu nào cho họ: Ngày cuối cùng của chợ Tết, bà cụ không bán được cành mai và vé số của anh chàng kia cũng trượt. Tối 30, anh chàng giúp bà buộc cành mai vào xe đạp chở về, tặng bà một trong hai tờ vé số xổ ngày mùng 4, coi như vịn vào chút đợi mong đó mà qua Tết. Hoặc cũng có thể xem đây là kết thúc có hậu về tình người.

00172240b875132b4a643.jpg

Những truyện ngắn khác cũng gợi lên cảm xúc nhẹ nhàng, rung động như vậy. Hoàng Công Danh không tô vẽ thực tại, anh viết chân thực với tình thương con người sâu sắc.

Tác giả tâm sự: “Ngày Tết trong văn hóa của người Việt là khoảng thời gian thiêng liêng, nhiều cảm xúc. Chính vì thế mà văn chương viết về Tết tất nhiên phải khác. Tôi là người thích Tết, thèm Tết và thường tiếc nuối khi… hết Tết. Vì thế tầm giữa tháng Chạp đến rằm tháng Giêng là tôi ‘ăn Tết’ rất kỹ. Tranh thủ khoảng thời gian đó để cảm nhận sự thay đổi của cảnh sắc, quan sát mọi người xung quanh, lượn lờ mấy cái chợ xem dân tình buôn bán… Nhờ đó tôi biết một vài điều xung quanh mình, thấy người bán hàng trăn trở chuyện lãi lỗ, biết người dân quê nghèo khó rất lo lắng bạc tiền để trang trải một cái Tết.

Gom những mẫu chuyện ấy vào một tập sách, tôi hy vọng độc giả sẽ có phút giây thư giãn với bao nhiêu bi hài ngày Tết của những nhân vật rất bình thường. Biết đâu, nhờ đó các bạn càng thêm yêu Tết Việt”.

Nhà văn Hoàng Công Danh

Nhà văn Hoàng Công Danh sinh năm 1987, hiện sống và làm việc tại Quảng Trị. Anh đã xuất bản sáu tập sách ở Nhà xuất bản Trẻ, bao gồm các tập truyện ngắn Cõng nhau trong một cõi người, Chuyến tàu vé ngắn, Trong cơn say níu sợi dây đứt, Con tin Stockholm; tập tùy bút Khói sẽ làm mắt tôi cay; truyện dài Bảy bảy bốn chín. Với lối văn dung dị và kết thúc bất ngờ, những truyện ngắn của Hoàng Công Danh luôn khiến bạn đọc ấn tượng, thích thú.