“Thời gian qua, tôi bán tài sản cá nhân là nhà đất để có dòng tiền sử dụng cho doanh nghiệp. Trước làm ăn được có mua dự trữ, giờ bán lấy nguồn vốn nuôi nhân viên, nuôi hoạt động kinh doanh”, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý bất động sản Titanium - ông Phạm Trọng Phú - thở dài khi đề cập về câu chuyện lương thưởng cuối năm.
Theo ông Phú, đây là giai đoạn áp lực, nhiều doanh nghiệp đang rất cố gắng thu xếp cho người lao động có thưởng Tết Quý Mão 2023. Khó khăn từ thị trường, doanh thu bán hàng kém, vốn tín dụng bị nghẽn nên các công ty sử dụng cả nguồn tiền dự phòng, giám đốc mang tiền nhà ra chi tiêu. Dẫu vậy, đơn vị không quá "bế tắc" như nhiều doanh nghiệp khác do đã kịp thời chuyển hướng sang sản xuất đồ uống. Tuy lĩnh vực này không có doanh thu cao như bất động sản nhưng bền vững, tăng trưởng ổn định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cảm thấy may mắn hơn nhiều khi năm nay sản xuất vượt chỉ tiêu. Nhờ vậy, dự kiến phần thưởng Tết có tốt hơn năm ngoái.
Tuy nhiên, về lâu dài, lãnh đạo doanh nghiệp phải lên các kịch bản, giải pháp để giảm thiểu khó khăn, ổn định tâm lý công nhân cho một năm tới dự báo không hề dễ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - ông Lê Hữu Nghĩa mong muốn, giai đoạn này, doanh nghiệp nào còn đủ tiềm lực tài chính nên thưởng cho nhân viên. Lý do, ông Nghĩa cho rằng tình hình lạm phát, đồng tiền trượt giá khiến công nhân gặp khó trong cân đối chi tiêu. Ngoài ra, dịch bệnh khiến người lao động mất khoản lương thưởng tốt trong một thời gian dài.
Không còn tâm lý giữ chân lao động
Số liệu từ Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, tính đến đầu tháng 11/2022, địa bàn thành phố có 26 doanh nghiệp (gồm 14 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI, 12 doanh nghiệp trong nước) thông báo cho người lao động thôi việc. Tổng số lao động bị mất việc là 2.844. Số doanh nghiệp thông báo giảm lao động là 26 doanh nghiệp, thấp hơn so với giai đoạn năm 2019-2020 (năm 2019 có 74 doanh nghiệp, năm 2020 có 86 doanh nghiệp thông báo cho người lao động thôi việc).
Bình luận về số liệu lao động thất nghiệp, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) - ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng, tình trạng thất nghiệp hiện ở nhiều dạng thức, thất nghiệp tạm thời, ngưng việc, giãn việc rất nhiều chứ không chỉ dựa vào báo cáo. Ví dụ, khi doanh nghiệp cho người lao động ngưng việc 1-2 tháng thì không được báo cáo vì công nhân không nghỉ hoàn toàn.
Do đó, cơ quan nhà nước phải nắm rất chắc dữ liệu mới có thể đoán định được tình hình kinh tế và vấn đề an sinh xã hội trong thời gian tới.
Theo Phó Chủ tịch Hawa, khoản thưởng cuối các năm trước của doanh nghiệp là để giữ chân người lao động quay lại làm việc sau Tết. Trái lại, với tình hình đơn hàng chậm của năm nay, doanh nghiệp khó giữ chân công nhân. “Dẫu vậy, giới chủ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Việt, là những người rất có tình cảm. Họ hiểu người lao động gặp khó nên đang duy trì sản xuất, cố gồng để công nhân có thu nhập và thưởng Tết”, ông Phương nói.
Ông Phương cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần chỉ đạo chỉ thắt chặt tín dụng với nhóm ngành có rủi ro, cấp tín dụng không đánh đồng để gỡ khó. "Tuy nhiên, để không đánh đồng trong cấp tín dụng cho nền kinh tế thì không đơn giản, cần vai trò điều tiết sát sao của NHNN cũng như hệ thống các ngân hàng thương mại", ông Phương bày tỏ.
“Dòng tiền phải hướng nhiều hơn tới doanh nghiệp sản xuất. Duy trì sản xuất sẽ hỗ trợ việc làm, an sinh xã hội, hướng đến sự ổn định lâu dài”, đại diện Hawa phân tích.