Thực hiện chương trình công tác năm 2022, chiều 8/8, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác báo chí, xuất bản năm 2022.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng lãnh đạo Bộ TT&TT, Hội Nhà báo, Hội Xuất bản chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí, xuất bản; cơ quan hội; cơ quan báo chí, xuất bản.
Hội nghị nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí, xuất bản triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; nắm bắt, đánh giá tình hình hoạt động báo chí, xuất bản trong tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại thời gian qua; chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm với sai phạm của cơ quan báo chí
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo công tác báo chí, xuất bản những tháng đầu năm 2022; các ý kiến tham luận đầy tâm huyết, trách nhiệm của lãnh đạo một số cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, xuất bản.
Các đại biểu đã thảo luận, trao đổi để tăng cường công tác phối hợp trong chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin đồng bộ, kịp thời; tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền để định hướng dư luận xã hội bảo đảm khách quan, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.... Các đại biểu cũng kiến nghị, đề xuất một số vấn đề cần quan tâm về cơ chế, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, báo chí nước ta là báo chí cách mạng, không có báo chí tư nhân, với nhiệm vụ chính là tuyên truyền và phản biện. Giai đoạn vừa rồi cơ bản các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt và đóng góp chung cho sự ổn định và phát triển đất nước.
Hiện nay, có một số vấn đề nổi lên, Thứ trưởng cho biết, các cơ quan báo chí rất khó khăn về kinh tế, kinh phí hoạt động, từ đây dẫn đến một số vi phạm như: Sai tôn chỉ mục đích, báo hoá tạp chí, báo hoá trang tin, tư nhân hóa báo chí, một số cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, "đánh đấm", thông tin sai sự thật....
Một trong những nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân chính được Bộ TT&TT xác định là "sự buông lỏng, thiếu quan tâm chủ đạo từ cơ quan chủ quản", khi cơ quan chủ quản coi đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Ngày 26/7, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã ký kế hoạch về chấn chỉnh cơ quan báo chí trong đó có giao 5 nhiệm vụ cho cơ quan chủ quản, Thứ trưởng TT&TT đề nghị các cơ quan lưu ý kế hoạch này. Bộ TT&TT cũng đã có quyết định về tiêu chí nhận diện báo hoá tạp chí, báo hóa trang tin, báo hóa mạng xã hội để nhận diện vi phạm.
Ông Tuấn cho biết, các lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước đã đặt vấn đề về hoạt động và quản lý báo chí. Thứ nhất, về nguy cơ suy thoái tư tưởng thì liệu ở các cơ quan báo chí như thế nào, về đạo đức, nghề nghiệp, nội dung. Thứ hai về chất lượng, khi cả nước có hơn 800 cơ quan báo chí nhưng có vẻ chỉ hơn 100 cơ quan báo chí hoạt động có chất lượng, thực chất. Thứ ba, trách nhiệm, vai trò của Tổng biên tập và tổ chức đảng "bây giờ có vẻ không như ngày xưa". Thứ tư, trách nhiệm cơ quan chủ quản trong quản lý báo chí.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước, lãnh đạo Bộ TT&TT thông tin, Bộ tập trung vào định hướng phát triển, đã trình Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch mạng lưới báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại; dự kiến trong tháng này Thủ tướng sẽ ký quyết định ban hành.
Về chuẩn bị sửa Luật báo chí, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết trong luật sẽ tập trung làm rõ trách nhiệm, quyền hạn các cơ quan liên quan, nhất là cơ quan chủ quản.
Về kinh tế trong báo chí, ông Tuấn cho rằng đây là vấn đề then chốt, khi giải quyết được thì những vấn đề sau "dễ nói, dễ làm hơn", trong đó nhấn mạnh đến vấn đề "đặt hàng", xây dựng định mức.
Về định hướng nội dung, cơ quan chính quyền là người cung cấp thông tin, đặt hàng báo chí, báo chí chỉ đưa tin, quản lý tốt tôn chỉ mục đích.
Bộ TT&TT sẽ tập trung xử lý sai phạm hiện nay đối với các cơ quan báo chí, Thứ trưởng nhấn mạnh "sai phạm của cơ quan báo chí sẽ gắn liền với sai phạm của cơ quan chủ quản".
Báo chí cần có cách truyền tải mới, không khô cứng
Phát biểu kết luận, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh một số kết quả, dấu ấn quan trọng, nổi bật của công tác báo chí, xuất bản những tháng qua.
Công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, kịp thời, quyết liệt hơn, bám sát tình hình thực tiễn, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, hiệu quả và thống nhất một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng thông tin là Ban Tuyên giáo Trung ương. Công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm quy định trong hoạt động báo chí, xuất bản tiếp tục được tăng cường.
Chuyển đối số diễn ra mạnh mẽ và được quan tâm đầu tư nghiêm túc cả về nhân lực và tài lực. Công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được các cơ quan báo chí, nhà xuất bản đặc biệt quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả.
Hình thức, tư tưởng, nội dung, phương thức truyền tải có nhiều đổi mới, cập nhật nhiều quan điểm mới của Đảng, báo chí đã ứng dụng công nghệ, internet, mạng xã hội vào làm báo thời hiện đại.
Trong thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, báo chí phải thực hiện thật tốt các chủ trương của Đảng về đổi mới báo chí. "Tinh thần chung phải quy hoạch, phải quản lý rồi phát triển", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý.
Tự do báo chí nhưng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, ông Nghĩa cho biết, tại Đại hội Hội Nhà báo ông rất tâm đắc với câu nói "Đổi mới, sáng tạo nhưng tinh thần cách mạng, tinh thần báo chí là phải vì lợi ích của nhân dân, vì lợi ích của đất nước".
Báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò trong việc định hướng dư luận, tuyên truyền chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật Nhà nước. Từ nay tới cuối năm với các sự kiện lớn, ông Nghĩa lưu ý, cơ quan báo chí cần có những hình thức tuyên truyền, truyền tải mới và phù hợp, tuy nhiên "không khô cứng", vì người dân rất quan tâm.
Ông cũng đề nghị các ban, bộ, ngành, cơ quan liên quan cố gắng "càng sớm càng tốt" hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục điểm nghẽn trong báo chí-xuất bản, văn học nghệ thuật.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đặc biệt lưu ý, các cơ quan báo chí cần nắm lại chất lượng của đội ngũ phóng viên, cộng tác viên, phóng viên thường trú.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị thời gian tới, các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí, xuất bản; cơ quan hội và các cơ quan báo chí, xuất bản cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thật tốt việc thông tin, tuyên truyền về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII.
Chủ động cung cấp thông tin, kiến thức, cập nhật những chính sách, quyết sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra cũng cần đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong các cơ quan báo chí, xuất bản...