Rừng Tà Xùa nằm ở phía đông nam dãy Hoàng Liên Sơn thuộc các xã Mường Thải, Suối Tọ (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La), xã Háng Đồng, Tà Xùa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), Tà Xùa giáp với một số bản tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.
Rừng có diện tích hơn 17.650 ha, trong đó có 15.211 ha thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Rừng Tà Xùa có giá trị lớn trong phòng hộ đầu nguồn và có giá trị đa dạng sinh học với nguồn gen quý, là nơi cư trú, sinh trưởng của các động vật hoang dã.
Rừng đặc dụng Tà Xùa có 283 loài động vật, trong đó 58 loài thú, 176 loài chim, 32 loài bò sát, 17 loài ếch nhái. Trong đó có các loài thú quý hiếm như Cu li nhỏ, Sơn dương, Gấu ngựa, Mèo rừng, Khỉ mặt đỏ, Rái cá vuốt bé... Về thực vật, Tà Xùa có 671 loài, trong đó 138 loài cây làm thuốc, 134 loài cho gỗ, 91 loài dùng cho thực phẩm.
Với hệ sinh học đa dạng, Tà Xùa từng là điểm nóng về tình trạng khai thác thực vật rừng quý và động vật hoang dã. Do đặc điểm núi dốc, người dân sinh sống quanh núi Tà Xùa đều là đồng bào dân tộc thiểu số người Mông, người Thái... Đời sống người dân chủ yếu dựa vào rừng, phá rừng, khai thác gỗ. Nhiều loài gỗ qúy và cây thuốc tại đây có nguy cơ tuyệt chủng.
Tỉnh Sơn La xác định công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Tà Xùa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên chỉ đạo các đơn vị liên quan như Hạt kiểm lâm huyện Bắc Yên, Phù Yên, Ban quản lý Rừng đặc dụng Tà Xùa, các địa phương trong lâm phần rừng đều tích cực đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng.
Đặc điểm người dân sống quanh rừng đời sống khó khăn, nhận thức còn hạn chế nên họ chủ yếu dựa vào rừng. Ban Quản lý rừng đặc dụng Tà Xùa phối hợp với các xã đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau như tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi, bổ sung vào quy ước các bản, thành lập các tổ, đội tuần tra bảo vệ rừng, tổ đội phòng chống cháy rừng. Phối hợp với Hạt kiểm lâm Tà Xùa xây dựng các tuyến đường tuần tra, đặc biệt những phân khu, vị trí trọng điểm có các loài động, thực vật quý hiếm, nhằm ngăn chặn việc khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến lâm sản trái phép.
Riêng xã Háng Đồng (huyện Bắc Yên) đã thành lập 5 tổ cộng đồng quản lý rừng mỗi nhóm 16 – 25 người. Các tổ cộng đồng phối hợp với lực lượng kiểm lâm rừng thường xuyên tuần tra, giám sát, nếu phát hiện có tình trạng mất an ninh rừng sẽ báo cho lực lượng chức năng kịp thời xử lý. Tổ cộng đồng bảo vệ rừng còn tuyên truyền cho bà con không phá rừng làm nương rẫy, tuyên truyền về giá trị của bảo vệ rừng cũng như các quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.
Ngoài công tác tuyên truyền, các địa phương còn đưa nhiều mô hình phát triển sản xuất, tạo sinh kế, hỗ trợ sản xuất, giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng cho bà con sinh sống ở vùng đệm, vùng lõm của rừng như trồng thảo quả, sa nhân.
Điển hình như tại bản Háng Đồng (xã Háng Đồng, Bắc Yên, Sơn La) được giao khoán 860 ha rừng. Năm 2022, Nhà nước chi trả 1,3 tỷ đồng tiền phí khoanh nuôi, bảo vệ và dịch vụ môi trường rừng. Người dân trong bản được trả tiền hàng năm, họ được hưởng lợi từ rừng nên không còn tình trạng phá rừng làm nương rẫy hay vào rừng săn bắn, thu hái dược liệu.
Với nhiều giải pháp như trên, Ban quản lý Rừng đặc dụng Tà Xùa đang nỗ lực bảo vệ tốt tài nguyên rừng, góp phần giảm tình trạng xâm hại, phá huỷ đa dạng sinh học trên địa bàn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo định hướng phát triển của tỉnh Sơn La trong thời gian tới, địa phương đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm từng bước phát triển du lịch phấn đấu đến năm 2030, Tà Xùa trở thành khu du lịch cấp tỉnh, phát triển du lịch sinh thái gắn với khu bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học.