Trốn bác sĩ để uống thuốc bắc trị ung thư
Chị T.T.T. (48 tuổi, Bến Tre) điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã 3 năm do bệnh u ác trực tràng. Chị T. cho biết ban đầu, chị bị đau bụng nhiều ngày và không đi tiêu được.
Cảm giác khó chịu ngày càng tăng, chị đến một bệnh viện ở địa phương để nội soi, phát hiện khối u ở trực tràng. Bác sĩ khuyên chị nên lên Bệnh viện Ung bướu TP.HCM gấp.
Tại TP.HCM, bác sĩ lên phương án điều trị, dự kiến phẫu thuật mở hậu môn nhân tạo nhưng chị không thực hiện. “Lúc đó tôi còn bán hàng, nghĩ rằng lấy hậu môn ra sẽ không làm được nên trốn về nhà, đi tìm uống thuốc bắc và thất bại.
Chưa đầy một tháng sau, tôi bị tràn dịch phải lên TP.HCM cấp cứu, phẫu thuật và hóa trị 22 đợt. Mới đây, tôi còn bị tắc ruột”, chị T. chia sẻ. Khoảng 1 tháng qua, chị T. được chuyển đến Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Ung thư đại trực tràng là loại ung thư khởi phát từ đại tràng hoặc trực tràng. Nếu phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi bệnh rất cao. Theo thống kê của Globocan, đây là loại ung thư phổ biến thứ 3 trên thế giới với hơn 1,9 triệu ca mắc mới trong năm 2020.
Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng phổ biến thứ 4 ở nam giới và phổ biến thứ 3 ở nữ giới. Mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 16.000 trường hợp mới mắc loại bệnh này. Tên gọi ung thư đại tràng hay trực tràng tùy thuộc vào vị trí ung thư.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Đức Nhật Minh, Trưởng khoa Ngoại Ngực bụng, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, điều trị ung thư đại trực tràng phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh và từng trường hợp. Phương pháp phổ biến nhất là phẫu thuật.
Khi ung thư đại trực tràng ở giai đoạn trễ có di căn hạch và di căn xa, người bệnh có thể phải điều trị thêm hóa chất đường uống hoặc truyền tĩnh mạch. Hiện nay, còn có thêm các loại thuốc sinh học, thuốc nhắm trúng đích hoặc thuốc miễn dịch với hiệu quả tốt.
Bên cạnh đó, phương pháp xạ trị cũng được dùng trong điều trị ung thư đại trực tràng. Người bệnh có thể được xạ trị trước hoặc sau khi phẫu thuật, tăng khả năng giữ hậu môn cho bệnh nhân, đảm bảo chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ tử vong.
Phòng ngừa và phát hiện bệnh ra sao?
Theo thông tin từ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư đại trực tràng bao gồm: Có tiền sử bị polyp đại trực tràng, nhất là những polyp có kích thước lớn hoặc đa polyp, những người có tiền căn viêm loét đại tràng, tiền sử gia đình có người bị ung thư đại trực tràng khiến nguy cơ mắc bệnh tăng từ 2-3 lần.
Chế độ ăn nhiều mỡ động vật, ít chất xơ, béo phì, lười vận động, thiếu vitamin, thiếu can xi, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia… Bệnh có dấu hiệu trẻ hóa, ghi nhận có ca chưa đến 30 tuổi.
Người bệnh có thể có các triệu chứng như chảy máu trực tràng, thay đổi khuôn phân, rối loạn lưu thông ruột (thay đổi thói quen đại tiện, thay đổi giờ giấc, số lần đi ngoài, có khi bị táo bón, tiêu chảy hoặc xen kẽ), đau vùng hạ vị, buồn đi ngoài, cảm giác đi ngoài không hết phân, u gây biến chứng như tắc ruột.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể thiếu máu, gầy sút, suy kiệt... Khi có các dấu hiệu trên, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra, chẩn đoán sớm.
Các bác sĩ cho hay kiểm tra đại trực tràng thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để sàng lọc và phát hiện sớm ung thư. Ngoài ra, bệnh có thể phòng ngừa thông qua thói quen ăn uống lành mạnh như hạn chế thịt đỏ, thức uống có cồn, tăng các loại thực phẩm nhiều chất xơ, tăng cường vận động thể lực...