Ông Mai Ngọc Nhuần, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm ven biển cho biết, sau khi có thông tin của báo chí phản ánh việc người dân các xã của huyện Quảng Xương và TP Thanh Hóa “tận diệt” chim trời, Hạt kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương, Quản lý thị trường, Trật tự đô thị xuống hiện trường để xử lý.
Theo ông Nhuần, khi lực lượng xuống tới nơi thì những người đánh bẫy chim, cò đã tháo chạy hết, do đó lực lượng chức năng không bắt được đối tượng nào. Để không cho họ tiếp tục thực hiện hành vi trên, lực lượng liên ngành buộc phải phá dỡ các lều lán, thu giữ các loại bẫy, lưới, loa đài… để tiêu hủy. Riêng các loại chim, cò còn sống, lực lượng chức năng đã thả hết về tự nhiên.
“Sở dĩ lực lượng lực chức năng không bắt được ai bởi họ toàn đánh ban đêm. Cứ trời tối họ mới mang bẫy, loa đài ra để đặt, sáng hôm sau lại rút về nên lực lượng chức năng rất khó phát hiện và xử lý. Có lần anh em xuống bắt, họ phát hiện bỏ chạy vào khu dân cư, khi đuổi theo anh em còn bị người dân dùng cả gạch, đá ném lại”, ông Nhuần cho biết.
Ông cũng thừa nhận việc người dân đánh bắt chim diễn ra thường xuyên khi vào mùa, tuy nhiên để bắt được họ cũng rất khó khăn.
“Như năm ngoái, lực lượng chức năng cũng bắt được mấy đối tượng và xử phạt tổng cộng hơn 30 triệu đồng. Tuy nhiên, họ không phải là người ở xã đó nên khó khăn trong công tác quản lý. Sau khi phá hết các bẫy chim, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tục đánh bẫy chim, như vậy là vi phạm pháp luật”, ông Nhuần thông tin.
Trước đó, như VietNamNet đã phản ánh, những ngày qua, ở một số huyện, thành phố của Thanh Hóa xuất hiện tình trạng nhiều người dân đặt bẫy chim, cò trên khắp cánh đồng. Ngoài việc dùng bẫy kẹp truyền thống, họ còn dùng cả lưới “tàng hình” để vây khắp các cánh đồng khiến nhiều loài chim bị có nguy cơ bị “tận diệt”.
Một số hình ảnh lực lượng chức năng phá dỡ bẫy chim, cò của người dân: