Vướng mắc trong mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế
Tại báo cáo này, Bộ Y tế cho biết việc mua sắm trang thiết bị y tế có số khó khăn, vướng mắc như quy định tham khảo ít nhất 3 báo giá trong điều kiện chỉ có một nhà cung cấp, chưa quy định rõ vật tư y tế (bông, băng, cồn, gạc...) có phải là tài sản công không…
Ngoài ra, một số trang thiết bị sau khi kết thúc đề án liên doanh, liên kết có giá trị dưới 50%, nhưng vẫn trong điều kiện hoạt động tốt.
Tuy nhiên, Nghị định 29/2018/NĐ-CP quy định điều kiện để xác lập sở hữu toàn dân là tài sản còn phải có giá trị còn lại trên 50%. Trong khi đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam yêu cầu trang thiết phải được xác lập sở hữu toàn dân mới được thanh toán Bảo hiểm y tế.
Bộ Y tế cũng cho rằng có tâm lý e ngại trong tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu ở các đơn vị, nhất là việc xây dựng giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu (tham khảo giá), lựa chọn hình thức chỉ định thầu; vướng mắc trong kê khai giá trang thiết bị y tế theo nghị định số 98/NĐ-CP.
Vì vậy, thời gian qua, tình trạng một số bệnh viện “kêu cứu” vì thiếu trang thiết bị, vật tư y tế đã diễn ra.
Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Đức, cơ sở này chỉ còn đủ hóa chất dùng cho xét nghiệm cơ bản trong một tuần, thiếu vật tư điều trị cho bệnh nhân xẹp đốt sống.
Trước đó, bệnh viện này cũng đã thông báo thiếu hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống...
Bệnh viện cho biết thời gian qua đã tích cực thực hiện các thủ tục đấu thầu vật tư, hóa chất nhưng gặp vướng mắc chưa thực hiện được trong khi vật tư tồn kho sắp cạn kiệt.
Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cũng thường xuyên thiếu trang thiết bị y tế, máy móc hư hỏng không sửa chữa được, phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác. Điều này gây rất nhiều khó khăn, phiền toái cho người bệnh.
Cũng do vướng mắc trong mua sắm, Bệnh viện Bạch Mai không mua được máy móc và hóa chất xét nghiệm, phải gửi bệnh nhân đến cơ sở khác chụp chiếu.
Giải pháp gỡ khó trong mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế
Trước tình trạng nhiều bệnh viện trên cả nước đang “kêu” vì thiếu vật tư, thiết bị y tế, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ các giải pháp tháo gỡ.
Cơ quan này kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Dược, xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với các thuốc hiếm, cần thiết cho điều trị…
Bộ cũng kiến nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP. Cụ thể đối với một số nội dung sau:
Thứ nhất, về quản lý giá trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đề nghị bỏ quy định về thời điểm mua sắm và chuyển hình thức quản lý chỉ một số mặt hàng thuộc danh mục quản lý phải kê khai giá thay bằng tất cả các mặt hàng như hiện nay. Đồng thời, bổ sung quy định tất các mặt hàng trang thiết bị y tế phải kê khai giá trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để công khai, minh bạch thông tin.
Thứ 2, về đăng ký lưu hành trang thiết bị, Bộ Y tế cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế, dự thảo nghị định quy định gia hạn thêm 1 năm hiệu lực của các giấy phép đã cấp đến hết ngày 31/12/2023.
Thứ 3, về thu hồi trang thiết bị y tế, bộ kiến nghị sửa đổi, quy định rõ thêm trường hợp xử lý trang thiết bị y tế tại đơn vị sản xuất, đơn vị nhập khẩu, đang lưu hành trên thị trường hoặc đã được cơ sở y tế mua sắm sau khi bị thu hồi số lưu hành trang thiết bị y tế.
Thứ 4, với quy định về xuất nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất, cơ quan này kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định đối với trường hợp nhập khẩu để phục vụ mục đích phục vụ hội chợ, triển lãm, trưng bày hoặc giới thiệu sản phẩm cho phù hợp với pháp luật về quản lý ngoại thương.
Bộ Y tế cũng kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục sửa đổi thông tư 58/2016/TT-BTC, trong đó hướng dẫn cụ thể một số khái niệm như dự toán mua sắm với dự toán thu chi để tránh gây nhầm lẫn, không thống nhất…