Ngày 4/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Khó khăn vì yêu cầu "3 báo giá" sẽ được tháo gỡ

Nghị quyết 30 cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023.

Trường hợp cùng 1 chủng loại trang thiết bị y tế nhưng có nhiều hãng sản xuất khác nhau, chủ đầu tư xem xét, quyết định việc giao Hội đồng khoa học xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị.

Theo thông tin từ lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, cơ sở này chỉ còn 2 máy CT hoạt động được trong tổng số 5 máy. Ảnh: Thế Sơn.

Trên cơ sở này, đơn vị tổ chức lấy báo giá, xác định giá gói thầu căn cứ ít nhất một trong 3 tài liệu.

Cụ thể:

Giá thị trường được tham khảo từ báo giá của các nhà cung cấp theo một trong 2 hình thức là: Tối thiểu trong 10 ngày, chủ đầu tư gửi thông báo mời chào giá với yêu cầu kỹ thuật lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý trang thiết bị y tế (https://dmec.moh.gov.vn) hoặc trang thông tin điện tử của đơn vị hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Hết thời gian thông báo mời chào giá, chủ đầu tư căn cứ số báo giá nhận được để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu. Trường hợp chỉ có 1 hoặc 2 nhà phân phối cung cấp báo giá thì được sử dụng các báo giá đã nhận để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu.

Hình thức thứ 2 là chủ đầu tư lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối trong trường hợp chỉ có một nhà phân phối hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà phân phối khác.

Việc xác định giá gói thầu được dựa trên tính năng kỹ thuật, nhu cầu sử dụng, khả năng tài chính của chủ đầu tư.

Như vậy, quy định này của Nghị quyết 30 đã tháo gỡ khó khăn trong vấn đề "3 báo giá" mà nhiều bệnh viện vướng mắc thời gian qua.

Tuy nhiên, một lãnh đạo bệnh viện tuyến Trung ương cho rằng vẫn còn những tình huống gây e ngại như một đơn vị phân phối duy nhất báo giá cao gấp hơn 2 lần so với giá nhập khẩu (của chính sản phẩm đó) thì người mua có bị quy kết chuyện gây thiệt hại, hoặc bên phân phối có bị quy kết là "thổi giá" hay không. Do đó, Bộ Y tế cần ban hành hướng dẫn rất cụ thể về vấn đề này.

Căn cứ thứ 2 là kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của Luật Giá. Tài liệu căn cứ thứ 3 để lấy báo giá/xác định giá là giá trúng thầu của gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 120 ngày.

Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì ghi rõ giá cho từng phần trong giá gói thầu.

Chính phủ giao Bộ Y tế ngay trong Quý II phải xây dựng, ban hành hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế. 

Tình trạng thiếu vật tư, trang thiết bị y tế diễn ra trong thời gian qua khiến nhiều bác sĩ lo lắng phải "tay không bắt giặc". Ảnh: Thạch Thảo.

Sửa đổi quy định thanh toán bảo hiểm y tế với máy mượn, máy đặt

Nghị quyết số 30 sửa đổi khoản 4 Nghị quyết số 144/2022 của Chính phủ, trong đó cho phép tiếp tục thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Đối với các hợp đồng được ký trước ngày 5/11/2022: Thực hiện theo thời hạn của hợp đồng. 

- Đối với các hợp đồng được ký từ ngày 5/11/2022: Thực hiện đến khi có văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này, bao gồm cả các hợp đồng được ký theo hình thức mua sắm trực tiếp.

Trường hợp hết thời hạn hợp đồng quy định tại hai điểm trên thì được tiếp tục thanh toán đến khi sử dụng hết vật tư, hóa chất đã mua.

Đơn vị trúng thầu có trách nhiệm cung cấp trang thiết bị để sử dụng

Theo nghị quyết này, nhà thầu trúng thầu vật tư, hóa chất có trách nhiệm cung cấp trang thiết bị để sử dụng vật tư, hóa chất theo yêu cầu của chủ đầu tư, nếu hồ sơ mời thầu có đặt ra quy định trên.

Chi phí khám, chữa bệnh của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất quy định tại khoản này được thanh toán BHYT. Trường hợp hết thời hạn hợp đồng thì được tiếp tục thanh toán đến khi sử dụng hết vật tư, hóa chất đã mua.

Như vậy, trong 2 ngày (3-4/3), để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, Chính phủ đã ban hành 2 văn bản sửa đổi Nghị định 98/2021 về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 144 của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.