Phòng mổ cũ hạn chế về cơ sở hạ tầng, số lượng ít, nhân lực thiếu... là một phần lý do khiến công tác ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM phải hoãn trong thời gian qua.
Ngay sau phản ánh của VietNamNet về tình trạng tạm hoãn ghép tạng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, bệnh viện này đã có phản hồi vào trưa 22/5.
Theo đại diện bệnh viện, từ năm 2019 đến năm 2021, đại dịch Covid-19 làm gián đoạn công tác hỗ trợ của các giáo sư quốc tế, công tác ghép gan bị đình trệ. Trước tình cảnh bệnh nhi suy gan mạn tính dần trở nặng, Bệnh viện Nhi đồng 2 phải tìm giải pháp cứu sống các bé và cần hoàn chỉnh quy trình thực hiện ghép gan "tự chủ".
Bước đầu, Bệnh viện Nhi đồng 2 được sự hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, chủ yếu trong lấy tạng người lớn.
Bệnh viện nhận thấy các bác sĩ nhi cũng có thể thực hiện việc lấy tạng người lớn bằng cách cử bác sĩ đi học những chứng chỉ cần thiết. Tuy nhiên, bác sĩ nhi sẽ gặp khó khăn vì chưa được cấp các chứng chỉ hành nghề liên quan chuyên môn ghép tạng người lớn.
“Do đó, bệnh viện đã quyết tâm lên kế hoạch tiến hành các công tác chuẩn bị và cử bác sĩ tham gia những lớp học phù hợp”, thông báo nêu.
Nguyên nhân thứ hai là bệnh viện đang xây dựng phòng mổ ghép tạng hoàn chỉnh có cơ sở vật chất phù hợp. Phòng mổ cũ có hạn chế về cơ sở hạ tầng, số lượng phòng mổ ít, nhân lực còn thiếu nhưng phải bảo đảm cho nhiều chuyên khoa như phẫu thuật tim hở, ngoại thần kinh, ghép tạng… Nếu nghiêng về một chuyên ngành nào, kể cả ghép tạng, cũng ảnh hưởng tiến độ phẫu thuật của các bệnh lý quan trọng và cấp bách khác. Hiện tại, phòng mổ mới xây dựng đã gần hoàn thiện và đang làm công tác báo cáo Sở Y tế TP.HCM.
Lý do thứ 3 khiến công tác ghép tạng bị trì hoãn liên quan đến việc thiếu nguồn tạng để cấy ghép. Theo đó, nguồn tạng ghép cho trẻ em rất hạn chế, đa số từ người cho trong gia đình nhưng không phải ai cũng tìm được nguồn tạng phù hợp.
Ngoài ra, để đảm bảo chuyên môn, bệnh viện cũng gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian khi tiến hành ghép tạng gồm chọn bệnh nhân phù hợp theo thứ tự trong danh sách, tiến hành hàng loạt xét nghiệm của cặp ghép, thành lập hội đồng chuyên môn nhiều lần bàn bạc các vấn đề phát sinh, thay đổi cặp ghép liên tục tùy tình trạng bệnh nhân và gia đình, hội chẩn với chuyên gia nhằm thực hiện an toàn người bệnh…
Theo đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2, trong thời gian này, các bệnh nhân ghép tạng vẫn đang được theo dõi sát, điều trị nội khoa phối hợp, chuyển tuyến đến cơ sở y tế phù hợp khi cần. Bệnh viện khẳng định vẫn tiếp tục cố gắng để quy trình ghép tạng tự chủ được thực hiện sớm nhất và an toàn nhất nhằm đem lại cuộc sống mới cho những bệnh nhân suy tạng.
Trước đó, một số phụ huynh ở phía Nam có con bị suy gan giai đoạn cuối, có chỉ định ghép gan phải ra Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) để phẫu thuật ghép gan. Nguyên nhân được cho là trung tâm nhi khoa ghép tạng duy nhất ở phía Nam tạm hoãn ghép gan. Phụ huynh phải lao đao tìm đường sống cho con trẻ, bất chấp chi phí tốn kém và nhiều thủ tục.
13 ca ghép gan trẻ em trong 15 năm
Từ ngày 5/12/2005, ca ghép gan đầu tiên của Bệnh viện Nhi đồng 2 được thực hiện thành công với sự phối hợp của giáo sư từ viện trường Saint Luc, Vương quốc Bỉ.
Từ năm 2005 đến 2009 và 2014 đến 2018, ghép gan diễn ra đều đặn 1-2 ca/năm. Trong 15 năm, bệnh viện thực hiện 13 ca ghép gan.
Bệnh viện này chia sẻ, tối qua, 21/5, Trung tâm điều phối ghép tạng đã liên hệ bệnh viện, lập tức chuẩn bị cho ca ghép gan từ người cho chết não. Tuy nhiên, người cho có bệnh cảnh suy đa tạng nên không có có chỉ định ghép tạng.
Hồi giữa tháng 3 vừa qua, nhận được thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy có người cho chết não hiến thận, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiến hành hội chẩn để khởi động ghép tạng ngay. Tuy nhiên kết quả xét nghiệm không phù hợp giữa người cho và người nhận nên không thực hiện được.
Nếu không được ghép tạng, mỗi tháng có 2 trẻ nhỏ bị suy gan giai đoạn cuối ở Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM tử vong. Trong thời gian qua, một số cha mẹ đã phải đưa các em ra tận Hà Nội vì không thể ghép gan ở TP.HCM.