Ngày 24/5, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu Ban giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) phải tuân thủ quy định nhưng không làm gián đoạn ghép gan cho trẻ em có chỉ định ghép.
Theo đó, bệnh viện này đang khẩn trương xây dựng lại Đề án ghép tạng trẻ em để trình Bộ Y tế thẩm định và thông qua. Bệnh viện sẽ vẫn tiếp tục thực hiện quy trình ghép tạng với sự hỗ trợ của các chuyên gia thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là 2 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn TP.HCM.
Các bác sĩ của 2 bệnh viện sẽ hỗ trợ ở khâu tạng hiến từ người lớn, bác sĩ nhi thực hiện quy trình ghép gan, ghép thận cho trẻ em như thời gian qua.
Sở Y tế TP.HCM khẳng định trong tháng 6, Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ thực hiện ca ghép gan mới cùng với Bệnh viện Đại học Y Dược TP.
Thông tin này được công bố trong bối cảnh một số phụ huynh có con bị suy gan giai đoạn cuối ở phía Nam phải đưa con ra Hà Nội ghép gan, như phản ánh của VietNamNet ngày 22/5.
Ngay sau đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã lên tiếng phản hồi, nêu ra 3 lý do khiến việc ghép tạng bị chậm và có thời điểm phải tạm hoãn. Các lý do gồm bệnh viện xây dựng 2 phòng mổ mới cho ghép tạng để tránh ảnh hưởng đến phẫu thuật tim và sọ não; cử bác sĩ đi đào tạo về lấy tạng ở nước ngoài để tự chủ hoạt động ghép tạng; nguồn tạng khan hiếm và quy trình chuyên môn phức tạp khi thực hiệ ghép…
Hiện nay, khoảng 70-80 trẻ suy gan giai đoạn cuối đang chờ ghép tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Nếu không được ghép gan kịp thời, mỗi tháng, trung bình có 2 trẻ tử vong.
Bệnh viện Nhi đồng 2 là trung tâm nhi khoa duy nhất ở phía Nam thực hiện ghép tạng với sự hỗ trợ từ các chuyên gia Vương quốc Bỉ và sự cố vấn của Giáo sư Trần Đông A. Giáo sư Đông A cũng là người đặt nền móng về ghép tạng cho trẻ em ở Việt Nam.
Tại bệnh viện này, ca ghép thận đầu tiên được thực hiện vào tháng 6/2004, ca ghép gan đầu tiên là tháng 12/2005. Bệnh nhân được ghép gan là bé N.N.X.Q, 23 tháng tuổi, bị teo đường mật bẩm sinh. Hiện tại, em Q. đã trưởng thành và có cuộc sống khỏe mạnh.
Từ năm 2005 đến năm 2019, bệnh viện ghép gan cho 13 trường hợp. Riêng giai đoạn từ năm 2020 đến nay là 12 ca.
Theo Sở Y tế TP.HCM, một trong những vấn đề khó khăn của ghép tạng là nguồn tạng hiến cho trẻ em quá khan hiếm. Luật Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.”
Do đó, đối tượng trẻ em chết não hiện không được đưa vào nguồn hiến tạng. Sở Y tế TP.HCM mong muốn sớm có điều chỉnh trong luật định để tạo điều kiện thuận lợi cho quy trình ghép tạng.