Thất bại không nản
FPT cán đích 1 tỷ USD doanh thu năm 2008, sau 15 năm lại trở thành doanh nghiệp công nghệ đầu tiên của Việt Nam đạt doanh thu 1 tỷ USD từ xuất khẩu phần mềm.
“Để có được thành công, chúng tôi đã bắt đầu bằng các thất bại”, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường của Trường Đại học FPT, người từng ngồi "ghế nóng” chủ tịch FPT Software trong 8 năm từ 2012, mở đầu câu chuyện truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp tham gia sự kiện “Từ số 0 tới doanh nghiệp tỷ đô: Bí quyết ẩn giấu” diễn ra mới đây ở Hà Nội.
Ông Tiến kể: “Năm 1999, FPT mở văn phòng tại Mỹ. Sau 1 năm tiêu sạch tiền mà chẳng ai thuê”.
Lãnh đạo FPT quyết định học hỏi những người giỏi nhất về xuất khẩu phần mềm. Lúc đó, Ấn Độ đang ở đỉnh cao trong lĩnh vực này.
Doanh nghiệp Việt mạnh dạn sang hẳn Bangalore - thủ phủ phần mềm thế giới - để mở công ty. Sau 1 năm vẫn không ai thuê mặc dù đã quyết tâm thay đổi “cuộc chơi” bằng cách tuyển cả team (nhóm) 30 người Ấn Độ, đảm nhận các vị trí từ PM (quản lý dự án) tới design (thiết kế), coding (viết code), testing (kiểm thử)... Hết tiền lại quay về.
“Chúng tôi mất hàng triệu USD trong những năm đầu tiên. Những thất bại đấy có thể làm chúng tôi nản chí, nhưng anh Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT - lại khác. Anh Bình là một người rất đặc biệt. Năm 1999, khi phát biểu trên truyền hình, anh Bình đã thể hiện ý chí, niềm tin mãnh liệt với câu nói “Dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải xuất khẩu phần mềm”, ông Tiến nói.
'Chưa biết gì cũng tiến'
Những ngày đầu khởi nghiệp, đội ngũ FPT gặp vô vàn khó khăn. Nhiều người từng được gia đình và người thân khuyên nên chuyển hướng đi buôn bất động sản hoặc kinh doanh chứng khoán... Nhưng họ vượt qua mọi cản trở để theo đuổi con đường làm phần mềm.
Ngay cả khi thiếu đủ thứ, từ tiền bạc tới quan hệ, trình độ,... người FPT vẫn luôn giữ tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”.
Họ xác định: Phải đối mặt với rất nhiều đối thủ cạnh tranh lớn mạnh, nếu không dám “chiến đấu” thì thua ngay từ đầu. Không thể đọ nổi các doanh nghiệp hàng đầu thế giới về lực lượng sản xuất, thì phải dùng chất xám và công nghệ để có thể “sánh vai các cường quốc năm châu”.
Văn hóa doanh nghiệp là một bí quyết khác tạo dựng thành công trên hành trình Go Global (Đi ra thế giới) cho FPT.
Ông Hoàng Nam Tiến cho hay, tinh thần khởi nghiệp của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình sau 36 năm vẫn tiếp tục được duy trì, lan tỏa tới từng nhân viên của tập đoàn, khích lệ mọi người luôn làm mới bản thân mình mỗi ngày, sẵn sàng chinh phục những thử thách mới.
Với tinh thần “chưa biết gì cũng tiến” và “cứ máu có lẽ là xong”, người FPT sẵn sàng học cấp tốc để ra nước ngoài làm việc.
“Có lần tôi ngỏ ý cần một người dẫn 15 người sang Houston (Texas - Mỹ) để chăm sóc khách hàng. Ngay lập tức có bạn nói “Anh cứ để em”. Sau câu nói đó, bạn làm việc trung bình 15-20 tiếng/ngày, vì ngoài công việc còn phải trau dồi thêm kỹ năng, kiến thức. Sau 3 tháng, bạn nói “Em có thể bắt đầu đi”.
Phần lớn dự án FPT nhận từ nước ngoài, dù chưa biết nhưng chúng tôi vẫn dám nhận vì có lòng tin sắt đá là mình có thể làm được”, ông Tiến tiếp mạch chuyện.
Không chỉ đi làm thuê cho nước ngoài bằng chất xám, ngày nay, FPT còn tiến thêm một bước nữa, dùng trí tuệ để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mà nhiều “ông lớn” công nghệ trên thế giới cũng phải mua lại.
Ông Tiến hào hứng khoe: Đội ngũ FPT hiện có khoảng 76.000 người thuộc 63 quốc tịch đang làm việc ở đa quốc gia, gồm hơn 4.000 người nước ngoài. Trong số 1 tỷ USD doanh thu xuất khẩu phần mềm năm 2023 của FPT, hơn 30% là từ công nghệ, sản phẩm “Made by FPT”. Ngày xưa FPT đi ra nước ngoài để xin việc, còn bây giờ đi giới thiệu sản phẩm, giải pháp để đối tác “ngoại” đặt hàng”.
Trong số 500 tập đoàn lớn nhất toàn cầu, 102 thương hiệu đang là khách hàng của doanh nghiệp phần mềm Việt.
FPT đã có tên trong danh sách 500 công ty phần mềm lớn nhất toàn cầu và lọt vào Top 100 nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu thế giới.
“Nói về bí quyết thành công của FPT, bên cạnh sự kiên định, kiên trì, kiên nhẫn, còn có cả sự lì lợm đi đến mục tiêu. Qua 25 năm làm xuất khẩu phần mềm, chính sự lì lợm và tính kỷ luật đã giúp chúng tôi từ thất bại ban đầu có thành công về sau, trong khi rất nhiều công ty khác bỏ cuộc giữa chừng”, ông Tiến đúc kết.
Năm ngoái, FPT kỷ niệm 35 năm thành lập, Chủ tịch Trương Gia Bình nhấn mạnh mục tiêu của tập đoàn: Kiến tạo hạnh phúc cho mỗi người FPT, cho khách hàng, cho đất nước, lớn hơn nữa là cho cả trái đất. Theo kế hoạch giai đoạn 2023-2025, FPT sẽ phát triển thêm chi nhánh tại các khu vực Mỹ Latinh, Bắc Mỹ, Trung Đông và Đông Âu, mở rộng năng lực phục vụ 24/7 cho khách hàng toàn cầu và mở ra các tập khách hàng mới. 5% lợi nhuận trước thuế sẽ dành để đầu tư R&D (nghiên cứu và phát triển) các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp thuộc hệ sinh thái công nghệ "Made by FPT" lấy hạnh phúc người dùng làm kim chỉ nam, chú trọng ứng dụng các công nghệ mới nhất như AI (trí tuệ nhân tạo), Blockchain (công nghệ chuỗi khối), Cloud (điện toán đám mây), Big Data (dữ liệu lớn), Hyper Automation (siêu tự động hóa)... |