Mục tiêu của chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đề ra là: Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đồng thời phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, vai trò phát triển các phương tiện thanh toán điện tử đáp ứng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến được đánh giá là rất quan trọng, mang lại lợi ích không nhỏ cho người dân, doanh nghiệp cũng như các bên tham gia.
Tạo thuận tiện, tăng tính minh bạch cho người dân
Nắm bắt nhanh từ việc này, tỉnh Bình Định đang là một trong những địa phương triển khai tốt dịch vụ công trực tuyến gắn liền với thanh toán điện tử đem lại thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Thanh toán trực tuyến là một trong những giải pháp được tỉnh Bình Định chú trọng thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) một cách mạnh mẽ nhằm hướng đến tiết kiệm thời gian cho người dân, tăng tính công khai, minh bạch tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, hiện đại.
Theo tìm hiểu của PV, tỉnh Bình Định có 548 thủ tục hành chính có quy định thu phí lệ phí và 100% đều được triển khai thanh toán trực tuyến ; địa phương này đang đứng thứ 7 cả nước về số lượng giao dịch thanh toán trực tuyến được thực hiện thông qua nền tảng giao dịch thanh toán của Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Hiện nay, bên cạnh triển khai các hình thức thanh toán trực tuyến được áp dụng ở nhiều cơ sở, đơn vị trên địa bàn tỉnh, tại Cổng Dịch vụ công tỉnh Bình Định (https://dichvucong.binhdinh.gov.vn/?home=1) cũng tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia đồng bộ triển khai thanh toán trực tuyến những lĩnh vực như: thanh toán phí, lệ phí thủ tục hành chính; thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản; nộp phạt xử lý vi phạm hành chính; thanh toán tiền điện; đóng tiếp BHXH tự nguyện, gia hạn BHYT…Trong đó, thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai được triển khai từ tháng 12/2020, là 01 trong 04 địa phương đầu tiên được Cục Kiểm soát thủ tục hành chính chọn để triển khai thí điểm trước khi nhân rộng trên phạm vi toàn quốc như hiện nay.
Chị Lê Kim Thanh (35 tuổi, ngụ TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) chia sẻ, vừa qua sau khi làm thủ tục đất đai, chị được cán bộ Tư pháp hướng dẫn vào Cổng Dịch vụ công tỉnh để thanh toán trực tuyến, không cần phải mang tiền mặt đi đến cơ quan liên quan để đóng. Chỉ với một số thao tác trên điện thoại chị Thanh đã dễ dàng nộp tiền lệ phí trực tuyến.
“Chỉ với những thao tác đơn giản, là có thể thanh toán phí, lệ phí. Với tôi những thay đổi trong thời điểm chuyển đổi số này rất hợp lý, đảm bảo an toàn, chính xác trong các giao dịch, giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại”, chị Thanh nói.
Anh Nguyễn Tuấn Anh (ngụ huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) chia sẻ: “Khi thực hiện các thủ tục hành chính công tôi luôn lựa chọn cách thanh toán trực tuyến. Tỉnh Bình Định đã áp dụng sớm việc thanh toán trực tuyến giúp đảm bảo an toàn và tránh được các rủi ro như mất cắp khi mang theo tiền mặt đi nộp, bây giờ chỉ cần điện thoại có kết nối mạng là hoàn thành”.
Tiếp tục mở rộng các hình thức thanh toán trực tuyến
Để thực hiện hiệu quả chỉ tiêu, nhiệm vụ triển khai cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, hiện nay tỉnh Bình Định phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng thêm các chức năng thanh toán trực tuyến khác.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, từ tháng 9/2023, trên Cổng Dịch vụ công tỉnh Bình Định sẽ tích hợp thanh toán trực tuyến thêm một số lĩnh vực mới như: tiền phí sử dụng dịch vụ công ích (“nước máy”, “thu gom rác thải”) của Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Định, Công ty cổ phần Môi trường Bình Định; “tiền học phí” giáo dục cao đẳng, đại học của Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, Trường Cao đẳng y tế Bình Định; riêng “tiền viện phí” của Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn và Trung tâm Y tế thành phố Quy Nhơn sẽ được hoàn thành trong tháng 10/2023.
Theo Văn phòng UBND tỉnh Bình Định, thời gian qua đơn vị đã phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Chính phủ (cơ quan vận hành nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công quốc gia), VNPT Bình Định và các đơn vị có liên quan tổ chức nhiều cuộc họp trực tiếp, trực tuyến để trao đổi, thảo luận, bàn bạc thống nhất về mô hình kết nối, tích hợp, trao đổi dữ liệu thanh toán giữa phần mềm quản lý nội bộ của các đơn vị với Cổng Dịch vụ công của tỉnh.
Trên cơ sở đó, triển khai các giải pháp kỹ thuật, xây dựng cấu hình, hoàn thành việc thiết lập chức năng thanh toán trực tuyến tiền học phí giáo dục cao đẳng, đại học và tiền phí sử dụng dịch vụ công ích trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 01/2023/TT-VPCP5.
“Mô hình thanh toán trực tuyến phí các dịch vụ công ích và học phí cao đẳng, đại học trên Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh (sử dụng nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công quốc gia) là giải pháp hoàn toàn mới, chưa được các địa phương khác triển khai xây dựng. Do đó, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã chọn Cổng Dịch vụ công tỉnh Bình Định làm điểm trước khi xem xét, áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn quốc. Theo đó đến nay, Cổng Dịch vụ công của tỉnh đã đảm bảo điều kiện sẵn sàng để triển khai cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến các hình thức này”, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định thông tin.
Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết thêm, việc triển khai cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh nhằm cung cấp, bổ sung thêm kênh thanh toán cho người dân lựa chọn, sử dụng (ngoài những kênh thanh toán mà các đơn vị tự triển khai). Qua đó, góp phần tổ chức thực hiện hiệu quả “Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh”…