Ngày 28/8, Tỉnh uỷ Bình Định tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 11 của Tỉnh uỷ về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đây mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025.
Nhiều sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu
Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, cấp uỷ, chính quyền tỉnh Bình Định đã tập trung chỉ đạo, tổ chức quán triệt thực hiện Chương trình hành động số 11 của Tỉnh uỷ về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đây mạnh xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện sát với tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị; chỉ đạo các cấp, ngành tập trung các nguồn lực cho công tác phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.
Từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh Bình Định đã vận động thành lập mới 19 hợp tác xã (HTX), hỗ trợ phát triển 6 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện có 17/42 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận theo quy định hiện hành.
Tỉnh Bình Định cũng đã ban hành kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; triển khai đồng bộ các chính sách phát triển OCOP như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, khuyến nông, khuyến công, khoa học - công nghệ,… Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận 217 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh.
Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định cũng đã tiếp tục ứng dụng công nghệ cao để đầu tư, nâng cấp xây dựng trang trại chăn nuôi tự động, khép kín, thân thiện với môi trường; chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Tỉnh Bình Định đang tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi với công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm xuất khẩu.
Theo ông Trần Văn Phúc, hiện nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bình Định đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp nhãn hiệu; phương thức chăn nuôi được chuyển dịch đúng hướng; ứng dụng công nghệ cao trong khai thác thuỷ sản tiếp tục được tăng cường; cơ sở hạ tầng nghề cá, các công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh được đầu tư.
“Tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp được duy trì ổn định qua các năm, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương trong bối cảnh phát triển kinh tế của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Nhờ đó, đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của Nhân dân; giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn”, ông Trần Văn Phúc nói.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng đánh giá, công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mang lại những hiệu quả tích cực. Tỉnh Bình Định đã làm ra nhiều sản phẩm nông nghiệp theo tính ứng dụng cao, an toàn, hữu cơ, VietGAP…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình hành động số 11 của tỉnh Bình Định thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Hoạt động tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm chăn nuôi nói riêng còn nhiều khó khăn, giá cả không ổn định; việc nhân rộng các mô hình công nghệ còn hạn chế; triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm còn nhiều hạn chế…
Trước những tồn tại đặt ra, ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu các cấp, ngành cần thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, hạn chế cũng như tồn tại để thúc đẩy nông nghiệp tốt hơn.
Bí thư Bình Định đề nghị, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò của các cấp, ngành trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, cấp uỷ, lãnh đạo địa phương. Chú trọng bố trí nhân lực, nguồn lực để tăng cường đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Đầu tư nghiên cứu hạ tầng, đổi mới ứng dụng tốt hơn nữa ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp.
“Chúng ta ứng dụng những tiến bộ khoa học của thế giới có nghiên cứu, cái gì phù hợp thì triển khai ngay ứng dụng để thúc đẩy ngành nông nghiệp đi tắt, đón đầu. Nhân rộng được các mô hình mới, hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm chi phí đầu vào, nâng chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho người dân”, ông Dũng nói.
Trong kế hoạch Chuyển đổi số năm 2023, định hướng đến năm 2025, UBND tỉnh Bình Định đặt mục tiêu phát triển kinh tế số cụ thể như sau: Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP trên 10% năm 2023 và trên 20% vào năm 2025. Trên 30% năm 2023 và trên 50% vào năm 2025 các doanh nghiệp nhỏ và vừa (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh) thường xuyên sử dụng các nền tảng số. Trên 70% năm 2023 và 85% vào năm 2025 các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý của tỉnh chấp nhận thanh toán học phí, thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, thu hút khoảng 1.500 chuyên gia năm 2023 và 2000 chuyên gia vào năm 2025, lao động làm việc tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung – Bình Định. |
Diễm Phúc