Hoạt động chuyển đổi số trong công tác thống kê tại Bình Định đặt mục tiêu hiện đại hóa. Cụ thể, Cục Thống kê hướng đến số hóa văn bản, tài liệu, dữ liệu hành chính, lưu chuyển trên môi trường số; tự động hóa các quy trình nghiệp vụ của hoạt động thống kê, tiến tới tái cơ cấu quy trình nghiệp vụ dựa trên ứng dụng công nghệ tiên tiến; khai thác và sử dụng hiệu quả dữ liệu thống kê, nâng cao tính minh bạch và giải trình…
Cục trưởng Cục Thống kê Bình Định, bà Nguyễn Thị Mỹ cho biết, thực hiện ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh là chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội bằng “con số thống kê”, nói không với báo cáo giấy, thống nhất số liệu từ tỉnh đến huyện, xã. Cùng với đó, trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật, đơn vị đã ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào tất cả các công đoạn trong quá trình sản xuất thông tin thống kê.
Dẫn chứng, Cục ứng dụng thu thập thông tin bằng hình thức phiếu điện tử (CAPI, Webform) của 30 cuộc điều tra. Nhờ đó, cơ quan này đã giảm được thời gian nhập số liệu và kiểm tra logic số liệu, giúp công tác tổng hợp kết quả điều tra nhanh, chính xác hơn.
Ứng dụng phiếu điều tra điện tử (CAPI) trên điện thoại di động và ứng dụng phiếu điều tra trực tuyến (Webform) đã giúp ngành thống kê tỉnh thực hiện hiệu quả nhiều cuộc tổng điều tra quy mô lớn, trong đó có cuộc Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 trên phạm vi toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, nhiều phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành đã được triển khai thực hiện trong toàn ngành như: Phần mềm quản lý nhân sự; Phần mềm giao kế hoạch công tác và chấm điểm thi đua đối với Chi cục Thống kê; Phần mềm quản lý dự toán; Phần mềm quản lý công việc (Taskgov); Phần mềm quản lý cuộc họp...
Theo Cục Thống kê tỉnh, thay vì in phiếu điều tra, thu thập và nhập thông tin của hộ gia đình bằng tay, điều tra viên chỉ cần nhập thông tin vào ứng dụng CAPI đã được cài đặt sẵn trên điện thoại di động hoặc máy tính bảng, đồng thời truyền trực tiếp dữ liệu về máy chủ. Ứng dụng Webform được áp dụng đối với các tổ chức, DN; theo đó cơ quan thống kê cấp tên truy cập, mật khẩu, đồng thời tư vấn, hướng dẫn tổ chức, DN cách thức điền các thông tin liên quan và gửi lại trên trang điều tra trực tuyến của ngành thống kê.
Đặc biệt, Cục Thống kê địa phương đã ứng dụng phần mềm tần suất nhanh báo cáo kinh tế-xã hội của Tổng cục Thống kê để các Sở, ban ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã báo cáo hàng tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng và năm. Tính từ tháng 4/2023 đến nay, về cơ bản đã đáp ứng, phục vụ kịp thời, chính xác cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quyết định điều hành thống nhất từ tỉnh đến huyện, xã.
Đề cập về định hướng chuyển đổi số của Cục trong thời gian tới, bà Mỹ cho hay, quá trình chuyển đổi số và tư liệu hóa hoạt động thống kê bao gồm chuyển đổi đồng thời, đồng bộ cả 3 lĩnh vực chính: Chuyển đổi số quy trình nghiệp vụ thống kê; Chuyển đổi số trong quản trị nhân lực ngành Thống kê, đáp ứng yêu cầu sử dụng công nghệ và tuân thủ quy trình mới; Ứng dụng công nghệ với trọng tâm là số hóa, sử dụng dữ liệu số hóa với các ứng dụng thông minh.
Ngoài ra, để dữ liệu thống kê trở thành nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, Cục xác định một trong những giải pháp trọng tâm là thống nhất dữ liệu từ tỉnh đến huyện, xã. Từ đó, xây dựng một cơ sở dữ liệu thống nhất, kết nối với các cơ sở dữ liệu thống kê, dữ liệu hành chính của các Sở, ngành và địa phương để tạo thành cơ sở dữ liệu tập trung và thống nhất.
“Muốn vậy, cần tin học hóa toàn bộ quy trình điều tra thống kê. Cung cấp, chia sẻ thông tin thống kê giữa Cục Thống kê với thống kê của Sở, ban, ngành trên địa bàn. Ứng dụng khoa học thống kê, khoa học dữ liệu để khai thác nguồn dữ liệu lớn, dữ liệu mới cho hoạt động thống kê. Áp dụng công nghệ khai thác dữ liệu lớn để biên soạn chỉ tiêu thống kê, biên soạn một số chỉ tiêu báo cáo phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh”, bà Mỹ nói.
Trần Chung - Diễm Phúc