Mấu chốt là phải liên kết
Tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII, sáng 12/9, liên quan đến vấn đề liên kết sản xuất mà nhiều nông dân nêu ra, ông Lê Văn Nghị - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, khẳng định để người nông dân sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp thì phải liên kết. Bởi theo ông, nếu nhỏ lẻ, manh mún chắc chắn không hiệu quả. Bởi, nếu có quy mô đủ lớn thì mới đứng vững và có tiếng nói và có thể quyết định cung cầu, giá cả. Đây chính là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường. Khi sản xuất theo quy luật của thị trường chính là sản xuất chuyên nghiệp nhất.
“Cùng với đó, phải có khoa học công nghệ cao, phải cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ số… để hạ giá thành đầu vào. Bài học của Israel đã minh chứng rõ nhất điều này. Công thức của họ là: Khoa học công nghệ cao + HTX = Thành công”, ông chỉ rõ.
Cũng theo ông Nghị, hiện là thời đại của thương hiệu. Nếu có thương hiệu giá trị sản phẩm nông sản có thể tăng gấp 10-20 lần. Nhưng muốn có thương hiệu lại quay về câu chuyện liên kết hợp tác để có chỉ dẫn địa lý, truy gốc nguồn gốc,... Từ đó mới có một thương hiệu được xây dựng bài bản và có giá trị lâu dài.
Chúng ta nói rất nhiều đến các mối liên kết “3 nhà”, “4 nhà” rồi “6 nhà” nhưng chưa trả lời được câu hỏi tại sao liên kết các nhà đều không thành công? - ông Nghị nêu vấn đề và cho rằng mấu chốt nằm ở 2 “nhà”: nông dân và doanh nghiệp. Họ đều đang thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng hợp đồng. Khi mất mùa được giá thì nông dân bẻ kèo, được mùa rớt giá thì doanh nghiệp bẻ kèo.
Do đó, 2 “nhà” này cần phải chuyên nghiệp hơn, phải biết tôn trọng hợp đồng và chịu trách nhiệm với cam kết của mình. Để hạn chế tình trạng “bẻ kèo”, chính quyền cơ sở phải vào cuộc, làm trọng tài để quản lý mối liên kết này sao cho nghiêm túc, thực chất và chuyên nghiệp hơn.
Nói về liên kết sản xuất, ông Ngô Tiến Dũng, đại diện Tập đoàn TH, thừa nhận thực tế là, hiện nay nhiều nông dân đang bơ vơ không biết sản xuất cái gì để bán cho DN. Trong khi đó, phía doanh nghiệp rất mong muốn xây dựng được một vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng và minh bạch.
Theo ông, DN không thể kết nối với từng nông dân riêng lẻ mà phải thông qua các HTX. Nhưng khi triển khai, nhiều nông dân còn e ngại và thiếu niềm khi tham gia các HTX.
Ông Johan Van Den Ban - Tổng giám đốc De Heus Việt Nam - dẫn chứng khi dịch Covid-19 xảy ra, giá gà lông trên thị trường giảm còn 10.000 đồng/kg, nhưng De Heus vẫn thu mua của các hộ dân liên kết với giá cam kết 29.000 đồng/kg.
“Giá thị trường thấp hơn giá hợp đồng thì chúng tôi bán cho ai? Nhưng chúng tôi hiểu rằng, lòng tin là rất quan trọng trong chuỗi kiên kết hợp tác, đã nói là phải làm”, vị đại diện này nhấn mạnh.
Theo ông Johan Van Den Ban, Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao, nhưng nếu người nông dân không tập hợp, không liên kết sản xuất theo chuỗi thì sẽ khó làm ra sản phẩm đồng bộ, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được.
Nông dân hãy chuyên nghiệp chính mình
Nói về người nông dân chuyên nghiệp, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thaibinh Seed, cảm thấy phấn chấn khi truy được tận gốc vấn đề chính là con người. Nông dân chuyên nghiệp phải là người phải có tri thức, phải am hiểu khoa học công nghệ… Thêm nữa, phải luôn luôn nghĩ đến quan hệ hợp tác với nhau, với các cơ quan quản lý, với doanh nghiệp.
Ông cũng nhấn mạnh sản phẩm phải có thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm cũng chính là cách xây dựng thương hiệu cho cá nhân - những người sản xuất chuyên nghiệp.
“Xây dựng người nông dân mới chính là người nông dân chuyên nghiệp. Chúng ta cần “doanh nhân hóa nông dân Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh. Không phải chúng ta làm nông nghiệp mà là phát triển kinh tế nông nghiệp. Nông dân phải có khát khao, biết chấp nhận rủi ro, biết vượt qua khó khăn, phải luôn luôn xây dựng bản lĩnh của mình để vươn lên và thành công, ông cho hay.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ rõ, chúng ta cần có trách nhiệm giúp người nông dân tri thức hoá, chuyên nghiệp lên. Từ những bước đi đầu tiên, từ những việc làm nhỏ sẽ giúp nông dân dần dần tiếp cận số hoá, công nghiệp 4.0.
Một trong những điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là sản xuất bấp bênh, lý do quan trọng theo Bộ trưởng chính là thiếu tính chuyên nghiệp. Do đó, chuẩn hoá quy trình canh tác phải bắt đầu từ người nông dân.
Nếu nông dân bán xoài ở Đồng Tháp mà chỉ biết bán xoài thì chưa giàu được, tương tự người trồng sầu riêng ở Tây Nguyên nếu không biết bán hình ảnh, bán chữ tín của mình thì cũng không giàu được. Người nông dân không chỉ bán quả xoài mà là bán “chính mình”.
Một nông dân chia sẻ với Bộ trưởng, khi vườn nhãn nhà mình được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, ông mừng rơi nước mắt. Nếu trồng theo quy trình thông thường, ông lo lắng đến mất ngủ vì không biết nhãn bán ra người mua ăn có bị ảnh hưởng gì không. Bởi vậy, ông quyết tâm chăm sóc vườn nhãn theo quy trình hữu cơ để cái tâm của mình được “ngủ ngon”. Từ đó, thương hiệu nhãn của ông cũng được nhiều người biết tới.
Do đó, ông lưu ý nếu Hội Nông dân có thể giúp hội viên bán thương hiệu của mình thì ai cũng sẽ giàu lên. Đó là những điều ông nhìn thấy, rút ra sự khác biệt giữa trái sầu riêng Việt và sầu riêng Thái Lan, hay giữa quả cam của Nhật với trái cam Việt Nam. Không có chuyện cam nơi này được giá lại lấy cam nơi khác trà trộn hoà lẫn vào để lừa dối người tiêu dùng.