Báo chí Cách mạng Việt Nam đã 99 năm, sang năm chúng ta sẽ kỷ niệm 100 năm. Người sáng lập Báo chí Cách mạng Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Báo chí cách mạng phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, lan toả năng lượng tích cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, thổi lên khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, tạo thành sức mạnh tinh thần để góp phần hiện thực hoá mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm.
Những năm qua chúng ta đã làm tốt nhiệm vụ đó. Khảo sát về uy tín nghề nghiệp trong xã hội thì nghề báo được xếp thứ 9/10 năm 2018, đến năm 2022 đã lên hạng xếp thứ 3/10, chỉ sau nghề nhà giáo và nghề y.
Nhân lực làm báo chí nước nhà là 41.000 người, trong đó có 23.000 người được cấp thẻ nhà báo. Số lượng cơ quan báo chí (CQBC) là 797, trong đó báo là 127. Số lượng báo đã giảm 40% so với trước Quy hoạch. Ngân sách nhà nước chi cho báo chí năm 2023, bao gồm cả thường xuyên và đầu tư, là 7.800 tỷ đồng, chiếm 0,47% tổng ngân sách nhà nước. Hiện đang là mức thấp.
Một năm, các CQBC tạo ra khoảng 40 triệu tin bài và khi đi vào không gian mạng (KGM) thì lan toả ra thành 400 triệu tin bài, tạo thành dòng chủ lưu trên KGM. Mỗi năm sản xuất 20.000 giờ phát thanh và 50.000 giờ truyền hình. Tỷ lệ về truyền thông chính sách chiếm 20%.
Sau đây, tôi xin phép phát biểu một số ý:
Thứ nhất là về đầu tư cho chuyển đổi số (CĐS) báo chí. Một trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng ta là tuyên truyền. Mà báo chí là lực lượng tuyên truyền xung kích và chủ lực. Đảng, Nhà nước phải quan tâm đầu tư cho lực lượng báo chí.
Trước đây, vũ khí là trang giấy, cây bút thì nay còn thêm công nghệ, mà chủ yếu là công nghệ số. Trước đây, CQBC viết báo, nay CQBC tạo ra nền tảng số để nhiều người tham gia viết báo. Mà nền tảng số chính là công nghệ. Trước đây, chỉ có báo chí viết bài, nay nhiều người viết trên mạng thì báo chí phải có công cụ công nghệ để đánh giá được xu thế thông tin, tâm trạng người dân trên KGM để viết bài định hướng dư luận. Và đó cũng là công nghệ.
Một CQBC được gọi là đã CĐS thì có tới 30% chi phí, cả chi đầu tư và chi thường xuyên, là dành cho công nghệ. Về nhân lực thì cũng tới 30% là dân công nghệ. Để CĐS các CQBC thì phải cần đầu tư. Đất nước đang hiện đại hoá thì báo chí cũng phải hiện đại hoá. Đầu tư cho công nghệ số (CNS) thì không lớn, không tốn nhiều chi phí nhưng hiệu quả mang lại thì rất lớn và nhanh.
Vừa qua, ngân sách dành cho đầu tư báo chí là rất khiêm tốn (0,22% tổng chi đầu tư của nhà nước), sau khi có Chiến lược CĐS báo chí thì vẫn chưa tăng thêm. Bộ TT&TT đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan chủ quản báo chí đầu tư CNS để hiện đại hoá CQBC của mình. Một trong những thuận lợi lớn để CĐS báo chí, hiện đại hoá CNS cho báo chí là chúng ta có nhiều công ty CNS mạnh, xuất sắc, khi có ngân sách đầu tư là có thể giao nhiệm vụ cho họ thực hiện CĐS báo chí.
Bộ TT&TT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược CĐS báo chí. Bộ cũng đã thành lập Trung tâm hỗ trợ CĐS báo chí. Và Bộ cũng là đầu mối quản lý nhà nước về CNS. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ các CQBC chuyển đổi số.
Thứ hai là cơ chế "lưỡng tính" của báo chí. CQBC vừa là một đơn vị sự nghiệp lại vừa là doanh nghiệp. Là đơn vị sự nghiệp vì thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, cung cấp dịch vụ thông tin như là dịch vụ công, bởi vậy cần được Đảng và Nhà nước đầu tư, giao nhiệm vụ, đặt hàng.
Nhưng CQBC bây giờ phải cạnh tranh với các nền tảng số, phải thu hút được lực lượng làm báo, làm truyền thông có chất lượng trên thị trường, phải chấp nhận các cơ thế của thị trường. Vì vậy, CQBC cũng phải hoạt động như doanh nghiệp.
Cải cách có tính đột phá về cơ chế cho báo chí là chấp nhận cho các cơ quan báo chí có 2 cơ chế hoạt động song song: vừa như đơn vị sự nghiệp, vừa như doanh nghiệp. Nhưng báo chí kinh doanh là để làm báo, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Thứ ba là thay đổi nhận thức của chính quyền các cấp về truyền thông nói chung và truyền thông chính sách nói riêng. Ngày 21/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một chỉ thị rất quan trọng về công tác truyền thông chính sách.
Trước đây, truyền thông chính sách được coi là việc của một mình các CQBC. Thì nay, Thủ tướng chỉ thị, truyền thông chính sách phải được coi là một chức năng, một nhiệm vụ, một việc của chính quyền các cấp, và do vậy, chính quyền các cấp phải có bộ máy chuyên biệt làm công tác truyền thông và có ngân sách thường xuyên hàng năm để thực hiện nhiệm vụ này thông qua đặt hàng báo chí.
Ngân sách này chính là nguồn để đặt hàng các CQBC. Bộ TT&TT trên cơ sở này đã ban hành một kế hoạch hành động về kiện toàn bộ máy làm công tác truyền thông các cấp, hướng dẫn bố trí ngân sách, và sửa các thông tư liên quan về định mức kinh tế - kỹ thuật để các chính quyền các cấp có thể đặt hàng báo chí.
Nhân dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam tròn 99 năm, Bộ TT&TT xin được chúc các CQBC, anh chị em làm báo nhiều sức khoẻ, làm việc với tinh thần phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, chúc Báo chí Cách mạng thì luôn cách mạng, tức là luôn tiên phong, đi đầu, liên tục đổi mới.
Báo chí Việt Nam đã, đang và sẽ luôn luôn trung thành với sự nghiệp của Đảng vì một nước Việt Nam dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc.