Tiếp tục phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 10/8, các đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng liên quan đến kích cầu du lịch, giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội...
Cụ thể, các đại biểu chất vấn về việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch; chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử Quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội cũng là những vấn đề được đặt ra với tư lệnh ngành VH-TT-DL.
Ngoài Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chịu trách nhiệm trả lời chính còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, LĐ-TB-XH cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Cuối ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
14h:
Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, bước vào thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ này, bên cạnh những thuận lợi, Bộ VH-TT&DL cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Nhưng được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ, của Quốc hội, của các Bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc của cử tri cả nước nên Bộ đã nỗ lực hoàn thành được trách nhiệm của mình ở phương diện quản lý nhà nước trên 3 lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Bộ VH-TT&DL đã tham mưu và được các cấp có thẩm quyền chấp nhận sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 do Bộ Chính trị chủ trì thành công rất tốt đẹp. Hội nghị đã mang lại động lực mới cho toàn ngành.
Đến thời điểm này, 63 tỉnh, thành đã có các chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư với 6 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp.
Thành công của SEA Games trên nhiều phương diện đã mang lại một hiệu ứng tốt để góp phần cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành. Du lịch đã có bước phát triển sau đại dịch Covid-19, lượng khách nội địa và lượng khách quốc tế bắt đầu tăng. Chúng ta đã hoàn thành cơ bản về chỉ tiêu du lịch nội địa và chỉ tiêu khách quốc tế đang còn đặt ra phấn đấu, nhưng nét mới hơn đó là ngành đã chú ý nhiều hơn đến vấn đề về chi tiêu của du khách, chứ không phải thuần túy tính đầu lượt khách, để tính toán hiệu quả của ngành kinh tế mũi nhọn này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, bên cạnh những kết quả có tính chất khái quát, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Làm sao để tăng được lượng khách quốc tế; làm sao để đảm bảo tính bền vững thu hút khách nội địa và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách; du lịch phải dựa trên những sản phẩm nào… Đó cũng là bài toán đặt ra cho toàn ngành.
“Chúng tôi mong muốn nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội trên tinh thần xây dựng, sẻ chia để ngành hoàn thành trách nhiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Đề nghị kéo dài các gói kích cầu du lịch đến năm 2023
14h20:
Nêu ý kiến tại điểm cầu hội trường, đại biểu Nguyễn Hải Anh cho biết, thời gian gần đây du lịch có những dấu hiệu phục hồi khả quan. Tuy nhiên, du lịch trong nước chỉ có thể phục hồi hoàn toàn khi du lịch quốc tế phục hồi toàn diện.
Theo đại biểu, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường, một số nước vẫn còn hạn chế đi lại thì việc phối hợp giữa Chính phủ các nước là hết sức cần thiết.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, quan điểm và giải pháp về vấn đề này, cũng như đề xuất Chính phủ trong việc phối hợp với các nước để sớm phục hồi thị trường du lịch toàn cầu, qua đó phục hồi thị trường du lịch Việt Nam.
Nêu tiếp ý kiến, đại biểu Tráng A Dương nêu thực trạng, hiện nay trên mạng xã hội đang là phương tiện truyền thông, giải trí phổ biến được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích xã hội, cũng có không ít những biểu hiện lệch chuẩn, hoặc dùng mạng xã hội để trục lợi, gây tác động xấu tới nền tảng giá trị đạo đức dân tộc.
“Xin Bộ trưởng cho biết có những giải pháp gì để chấn chỉnh giải quyết tình trạng trên”, đại biểu Tráng A Dương đề nghị.
14h25:
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời: Về phát triển du lịch, sau đại dịch, du lịch chịu tác động nhiều nhất. Du lịch Việt Nam thiệt hại rất lớn, hầu như đóng băng cả ngành.
Sau 15/3, mở cửa lại hoạt động du lịch bình thường thì khách nội địa tăng lên và chúng ta cán đích về chỉ tiêu. Khách quốc tế đạt 950.000 lượt, tăng 10 lần so năm ngoái. Cho thấy thị trường du lịch dần ấm lên.
Về các giải pháp khắc phục những khó khăn của ngành du lịch, Bộ trưởng Hùng cho biết, thị trường lao động đang có sự chuyển dịch và khó khăn. Đây là vấn đề của nhiều nước. Thêm vào đó là cơ sở vật chất sau dịch, kết nối sau dịch cũng gặp nhiều khó khăn… Gần đây nhiều địa phương tổ chức hội nghị kết nối du lịch để kích cầu du lịch.
Theo Bộ trưởng, các giải pháp để tháo gỡ du lịch phải đồng bộ. Trong đó, các chính sách hỗ trợ, giảm thuế, giảm tiền điện đã triển khai. Trong bối cảnh này, Bộ trưởng mong kéo dài các chính sách cho năm 2023.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đôn Tuấn Phong (đoàn An Giang) về giải pháp để khách quốc tế đến Việt Nam bền vững và sẽ quay lại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, ông đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch khảo sát thời điểm trước dịch thì 40% khách quốc tế được hỏi cho biết sẽ quay lại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều tổ chức khác đánh giá chỉ 10%.
Bộ trưởng khẳng định, khách quốc tế có trở lại Việt Nam hay không điều này không ảnh hưởng đến việc tăng thu hay không tăng thu cho ngành du lịch vì còn tùy thuộc vào tâm lý khách hàng và điều kiện kinh tế của họ. Có người chỉ muốn đến một lần để thưởng thức, có người đi nhiều lần để khám phá.
Tư lệnh ngành du lịch cho rằng, sẽ có đối tượng khách du lịch khác để bù đắp lại nhưng ông mong muốn nhiều khách quen, bạn bè thân thuộc đến với VN.
Về giải pháp để giữ chân khách quốc tế, ông Hùng cho rằng, cần làm mới sản phẩm du lịch và văn hóa.
Ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội, trách nhiệm Bộ VH-TT&DL đến đâu?
14h30:
Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, vấn đề đáng quan tâm nhất về văn hóa hiện nay là xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội.
Theo đại biểu, vấn đề này đã được chỉ ra từ lâu nhưng chưa được giải quyết. Và ai cũng hiểu một mình ngành văn hóa thì không giải quyết được việc này.
“Nhưng là người đứng đầu cơ quan nhà nước về văn hóa, Bộ trưởng thấy trách nhiệm của mình đến đâu và có kiến nghị gì để thay đổi thực trạng cơ quan quản lý nhà nước thì không có đủ thẩm quyền, còn cơ quan có thẩm quyền thì không phải chịu trách nhiệm”, đại biểu Thúy nêu câu hỏi.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, văn hóa là vấn đề rất rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Thời gian vừa qua, Bộ VH-TT&DL đã chủ động ký kết với nhiều ngành để cùng các ngành các cấp xây dựng môi trường văn hóa.
“Riêng trong năm 2022 và những năm tiếp theo, chúng tôi xác định môi trường văn hóa là vấn đề cần phải chọn. Trong môi trường văn hóa, chúng tôi đề nghị phải chọn đơn vị thôn, bản, ấp - nơi nuôi dưỡng, bồi dưỡng trực tiếp sinh hoạt của người dân để giáo dục, hình thành nếp sống văn hóa”, ông Hùng nói.
Ông Hùng nêu ví dụ như TP Hà Nội đã cấp cho khu phố 70 triệu đồng để tập trung xây dựng khu phố văn hóa đúng thực chất. Cũng như vậy, ở Nghệ An đã đầu tư 30 triệu đồng cho một thôn, bản xây dựng văn hóa.
“Nhờ những chính sách cụ thể của từng địa phương nên môi trường văn hóa đã được đi vào thực chất hơn”, ông Nguyễn Văn Hùng cho hay.
14h40:
Đại biểu Chu Hồng Thái (Lạng Sơn) chất vấn về giải pháp để ngành du lịch phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống lịch sử, phát triển du lịch xanh và bền vững.
Trả lời, tư lệnh ngành VH-TT&DL cho rằng, cần tập trung đánh giá tổng thể lại thực trạng nguồn nhân lực du lịch để có giải pháp căn cơ, còn trước mắt phải có giải pháp đào tạo nghề. Bộ đã xây dựng đề án Phát triển khung trình độ quốc gia một số ngành, nghề trọng điểm lĩnh vực du lịch. Đồng thời phối hợp triển khai với các bộ, ngành thẩm định và ban hành một số Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia tương thích với tiêu chuẩn nghề ASEAN, danh mục các ngành đào tạo cấp IV lĩnh vực du lịch từ trình độ trung cấp đến sau đại học đã được bổ sung và cơ bản hoàn thiện.
Liên quan đến việc xây dựng môi trường văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, văn hóa rất rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, cũng đã chuyển hướng từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về các hoạt động văn hóa, thông qua các công cụ pháp luật. Bộ cũng đã chủ động rà soát, báo cáo với Quốc hội ban hành các bộ Luật, tham mưu cho Chính phủ ban hành các nghị định, quyết định để lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra.
Bên cạnh đó, Bộ cũng chủ động phối hợp với các cơ quan khác bằng các chương trình liên kết để tổ chức thực hiện. Cụ thể, Bộ đã ký kết với Bộ GTVT về việc xây dựng văn hóa giao thông, ký kết với Bộ GD-ĐT về xây dựng văn hóa học đường, ký kết với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về xây dựng văn hóa trong công nhân, người lao động…
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đề nghị các cấp, các ngành phối hợp tích cực và chặt chẽ với Bộ trong việc xây dựng môi trường văn hóa.
15h10:
Nêu tranh luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có trong báo cáo gửi đến Quốc hội.
“Qua đọc báo cáo đó, tôi thấy, Bộ đã dành 9/27 trang nói về giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử. Khi đọc hết phần đấy tôi mới lo lắng rằng, rõ ràng cái này không chỉ riêng của Bộ VH-TT&DL", bà Thúy nói.
Do vậy, theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, câu hỏi của bà đề cập đến trách nhiệm của Bộ VH-TT&DL đến đâu trong vấn đề này. Bà Thúy cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chưa làm rõ kiến nghị để thay đổi thực trạng cơ quan quản lý nhà nước thì không đủ thẩm quyền, còn cơ quan có thẩm quyền thì không phải chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, cơ quan này đã nhìn nhận được vấn đề môi trường văn hóa, môi trường xã hội đang xuống cấp. Để có giải pháp cho vấn đề này, theo ông Hùng, phải huy động được cả hệ thống chính trị trong công tác giáo dục, bồi đắp, bồi dưỡng ý thức về văn hóa, ý thức về xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc.
Còn về mặt chủ trương, theo ông Nguyễn Văn Hùng, đã đầy đủ. Cụ thể, Trung ương đã xây dựng Nghị quyết, Ban Bí thư đã có Chỉ thị, Chính phủ đã có các quyết định, Còn Bộ VH-TT&DL đã có các hướng dẫn. Gần đây nhất, Bộ đã ban hành tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc, trong đó đặt ra các vấn đề cụ thể.
Từ các tiêu chí đó, theo ông Nguyễn Văn Hùng, vấn đề quan trọng là vận động để tổ chức thực hiện. Cụ thể, trong mỗi gia đình phải có ý thức này, Bố phải làm gương cho con cái, mẹ phải giữ vai trò gì. Trong các tiêu chí đó không chế tài cụ thể, mà chỉ dựa trên cơ sở ý thức xây dựng gia đình, tổ ấm.
“Tôi nghĩ rằng, đây là cuộc cách mạng có tính lâu dài, quá trình vận động phát triển trên tinh thần là nhân cái tốt. Cho nên chúng tôi cũng khuyến khích việc biểu dương các gia đình tiêu biểu, gia đình văn hóa với phương châm lấy cái đẹp dẹp cái xấu, từ đó để nhân lên những hình ảnh đẹp trong cộng đồng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói thêm.
Lên án và không khuyến khích tổ chức trò chơi phản cảm
15h24:
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (điểm cầu Bình Dương) nêu thực tế hiện nay có thể thấy sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên đến cộng đồng ngày càng rộng. Đặc biệt trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của Internet và mạng xã hội, những câu chuyện trong đời sống hàng ngày, nhất là phong cách thời trang, việc ăn mặc chưa đúng mực của nghệ sĩ trong những lần xuất hiện trước công chúng hay trên mạng xã hội đều được dư luận và giới trẻ quan tâm.
Tuy nhiên, đâu là ranh giới giữa phong cách thời trang và thuần phong mỹ tục đối với cách ăn mặc của không ít nghệ sĩ hiện nay. Tại sao đều là trang phục theo phong cách hở hang, nhưng người có sức ảnh hưởng tới cộng đồng như nghệ sĩ lại được cho là đẹp, còn với người bình thường bị cho là không phù hợp thuần phong mỹ tục. Trong khi sức ảnh hưởng của nghệ sĩ lại tác động đến nhiều đối tượng trong xã hội hơn người bình thường, nhất là những tác động đến xu hướng hình thành tính cách của giới trẻ.
“Xin hỏi quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề trên để đảm bảo phát triển văn hóa con người gắn với thuần phong mỹ tục truyền thống của dân tộc hiện nay?”, đại biểu hỏi.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) chất vấn cho rằng, pháp luật và đạo đức là hai quy phạm chủ yếu và đặc biệt quan trọng để điều chỉnh quan hệ xã hội. Qua nhiều năm, pháp luật đã được hoàn thiện và tăng cường nhưng quan hệ xã hội ở nhiều nơi nhiều lúc ngày càng nóng bỏng, cử tri và nhân dân lo lắng.
Nhiều cử tri cho rằng, đạo đức xã hội, đạo đức con người, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và đạo đức gia đình đều xuống cấp. Nhiều vụ việc xảy ra thì chủ thể đều khẳng định quy trình đúng và đã tuân thủ đúng quy trình.
“Ví dụ như kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Qua phản ánh của báo chí, người có thẩm quyền trả lời, giáo viên coi thi đã thực hiện đúng quy trình nhưng hậu quả học sinh giỏi ngủ quên trong phòng thi và trượt tốt nghiệp.
Đề nghị Bộ trưởng cho biết suy nghĩ của mình về vấn đề này và có giải pháp gì để đạo đức xã hội được tăng cường, củng cố như pháp luật, để mọi người tuân thủ và thực hiện đúng đạo đức, đem lại hiệu quả tốt cho xã hội và không vi phạm pháp luật hay bị xử lý hành chính, xử lý hình sự”, đại biểu đặt vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) đề cập đến việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Trên thực tế việc tổ chức việc cưới, việc tang còn linh đình, có khi còn cản trở giao thông công cộng.
Vì vậy, đại biểu Dũng đề nghị Bộ trưởng cho biết, Chỉ thị 05 đã thực sự đi vào cuộc sống hay chưa? Và cần tiếp tục làm gì để việc này được tổ chức văn minh hơn? Cần làm gì để việc cưới, việc tang được tổ chức văn minh hơn?
15h25
Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho hay, về ứng xử của văn nghệ sĩ thì vừa qua có rất nhiều vấn đề phiền toái khi có những ứng xử không đẹp, phản văn hóa.
Theo ông Hùng, Bộ đã ban hành các văn bản về quy tắc này, trong đó nêu rõ ứng xử trong nghề nghiệp, ứng xử trong khát vọng cống hiến, lấy giá trị thực chân thiện mỹ để đấu tranh với cái xấu, cái các… Những quy tắc này đã được giới văn nghệ sĩ tiếp tục thực hiện.
“Triển khai thấy anh em rất phấn khởi. Các quy tắc ứng xử dù không phải là chế tài nhưng là hướng vận động, coi đây là phạm trù đạo đức để mọi người tự giác làm”, ông Hùng nói, cái gì phản cảm thì đã nhắc nhở.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, không thể lấy hình ảnh trang phục của một nghệ sĩ sân khấu để bắt chước và làm theo bởi việc đó không đúng.
Về việc tổ chức trò chơi phản cảm, Bộ trưởng Hùng cũng khẳng định là phải lên án. Theo ông, Bộ không chỉ đạo các công ty du lịch làm các trò chơi du nhập từ nước ngoài.
Ông Hùng kiến nghị những thành viên tham gia không nên hưởng ứng các trò chơi có nội dung phản cảm, mang lại hệ lụy xấu, không tốt. Đồng thời, Bộ sẽ kiểm tra với các công ty du lịch và nếu phát hiện tổ chức các trò chơi này sẽ xử lý nghiêm.
Tiếp tục tạo dựng văn hóa học đường lành mạnh, tốt đẹp
16h25:
Chia lửa với Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục rất chú trọng đến vấn đề giáo dục văn hóa học đường.
Theo ông Nguyễn Kim Sơn, xét về văn hóa trong trường học có 2 vấn đề quan trọng, đó là tạo dựng các giá trị văn hóa và trường học cần phải thiết lập, củng cố và hoàn thiện các nguyên tắc ứng xử.
Ông Sơn hy vọng văn hóa học đường có sự chuyển biến tốt trong thời gian tới. Bên cạnh việc tạo dựng văn hóa học đường, Bộ GD-ĐT sẽ tạo dựng các giá trị trong phương pháp dạy học, rèn luyện kỹ năng cho học sinh, kiểm tra đánh giá tiên tiến.
Bộ cũng sẽ tập trung rà soát các quy tắc ứng xử trong trường học để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới.
“Rất nhiều nội dung chúng tôi sẽ triển khai trong thời gian tới nhằm từng bước tạo dựng văn hóa học đường lành mạnh, tốt đẹp để đào tạo thế hệ với những giá trị như lương thiện, nhân ái, yêu nước, trung thực…”, ông Nguyễn Kim Sơn nói thêm.
16h30:
Tham gia giải trình thêm về vấn đề văn hóa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, buổi chất vấn hôm nay, các đại biểu rất quan tâm đến lĩnh vực quan trọng này.
Theo Phó Thủ tướng, văn hóa - chúng ta đã nói là nền tảng tinh thần. Còn du lịch - Bộ Chính trị đã xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và đã làm được rất nhiều việc về vấn đề này.
“Nhưng qua ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội, ngay phần câu hỏi cũng đã thấy rất nhiều việc cần phải cố gắng làm tốt hơn nữa”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
16h45:
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau một ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm, phiên chất vấn thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã thu hút sự quan tâm, chú ý rộng rãi của nhân dân và cử tri cả nước, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình dự kiến và đạt được các yêu cầu đề ra.
Theo Chủ tịch Quốc hội, các nhóm vấn đề thuộc hai lĩnh vực được lựa chọn chất vấn tại phiên họp đúng và trúng, phù hợp với diễn biến thực tế đời sống, bám sát thứ tự ưu tiên trong rất nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội, nhân dân, cử tri và dư luận xã hội quan tâm.
Diễn biến của phiên chất vấn cho thấy tinh thần sát thực tế, rất thiết thực, tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm cao, bao hàm trong năm chữ T, đối với cả người hỏi và người trả lời chất vấn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn; đồng thời ghi nhận các giải pháp, cam kết của Bộ trưởng các Bộ Công an; Bộ VH-TT&DL cũng như ý kiến của các thành viên Chính phủ có liên quan tại phiên chất vấn.
Căn cứ vào báo cáo của hai Bộ và diễn biến của phiên chất vấn, để chất vấn thực sự thành công trên thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Phiên chất vấn được kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành. Mỗi lượt có 3 - 5 đại biểu đặt câu hỏi, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút; người bị chất vấn trả lời không quá 3 phút/1 nội dung chất vấn. Trong quá trình chất vấn, đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận đối với người trả lời chất vấn để làm rõ những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng; thời gian tranh luận không quá 2 phút. Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết làm cơ sở để triển khai thực hiện. |
Nhóm phóng viên
XEM TƯỜNG THUẬT PHIÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG CÔNG AN TÔ LÂM TẠI ĐÂY.