Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc sáng 8/6, nhiều đại biểu đặt câu hỏi liên quan đến công tác cán bộ.
Hằng năm luân chuyển hàng chục ngàn cán bộ
ĐB Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) chất vấn: “Xin Bộ trưởng cho biết ngành tài chính đã có những biện pháp đột phá gì để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác của công chức, nhất là công chức ở vị trí nhạy cảm, như thuế, hải quan?”.
Trả lời, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ làm rất mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ. Cán bộ giữ một vị trí không quá 8 năm và thường làm 5 năm là luân chuyển hết.
“Hằng năm, chúng tôi luân chuyển hàng chục ngàn cán bộ, thực hiện một cách hết sức minh bạch và công bằng”, "tư lệnh" ngành Tài chính nói.
Từ đó, tạo được tính tự giác đối với các cán bộ của các ngành như hải quan, kho bạc, thuế,… thực hiện tốt trong quá trình luân chuyển cán bộ. Ông Phớc cho hay, từ đầu năm, Bộ đưa ra danh sách luân chuyển của năm sau để cho cán bộ nắm được năm sau là đến thời hạn phải luân chuyển và từ tỉnh này qua tỉnh khác hoặc ở dưới tỉnh lên bộ hoặc từ bộ đến tỉnh. Còn đối với cán bộ, công chức thì luân chuyển trong cơ quan, đang làm vị trí này chuyển sang vị trí kia, đang làm phòng này thì chuyển sang phòng kia.
“Như vậy, tạo nên một sự chủ động trong công tác tư tưởng của cán bộ và khi thực hiện vấn đề luân chuyển cũng không có đơn thư tố cáo. Ngành tài chính hiện nay có khoảng 67.000 cán bộ, công chức nhưng thực ra trong công tác cán bộ, công tác luân chuyển chúng tôi không nhận được nhiều ý kiến về sự không công bằng, không minh bạch hay không đúng chính sách, chế độ trong quá trình thực hiện luân chuyển hoặc tinh giản biên chế”, Bộ trưởng Tài chính khẳng định.
Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm
ĐB Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) nêu ý kiến của cử tri phản ánh một số nơi cán bộ còn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình làm hồ sơ chuyển nhượng bất động sản.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết, có giải pháp hữu hiệu gì để ngăn chặn hiện tượng này?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã có công điện yêu cầu Tổng cục Thuế chỉ đạo các cơ quan thuế chống tham nhũng, chống nhũng nhiễu, trục lợi trong quá trình thực hành và không được gây phiền hà, sách nhiễu với người dân. Cán bộ chỉ tuyên truyền, không có quyền ngăn chặn việc chuyển nhượng hay ngăn chặn vấn đề hồ sơ.
“Tôi đã chỉ đạo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế hậu kiểm, chứ không được tiền kiểm. Tiền kiểm là vận động, thuyết phục, giải thích để tránh cho những người chuyển nhượng bất động sản khỏi trốn thuế. Bởi vì, nếu họ không nắm được pháp luật mà họ trốn thuế thì sau này khi thanh tra phát hiện ra lại mắc tội trốn thuế, lại vi phạm Luật Hình sự”, Bộ trưởng phân tích.
Cho nên, ông nhấn mạnh, công tác tuyên truyền hết sức quan trọng và cũng có thể có một số cán bộ lạm dụng rồi "làm quá" với những người dân chuyển nhượng bất động sản.
“Nếu phát hiện ra, chúng tôi sẽ xử lý một cách nghiêm minh”, tư lệnh ngành Tài chính cam kết.
Về xử lý cán bộ, công chức vi phạm, ông Phớc cho biết, Bộ Tài chính tăng cường giám sát và tăng cường kiểm tra từ dư luận xã hội, từ phản ảnh của các cấp, các ngành, từ công tác tự kiểm tra để phát hiện những sai phạm.
“Cán bộ của Bộ Tài chính, đặc biệt là cán bộ thuế, cán bộ hải quan thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân và giải quyết những công việc liên quan đến lợi ích nên cũng khó tránh khỏi vi phạm”, ông Phớc nói.
Năm 2021, Bộ đã xử lý 76 trường hợp ở Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế 143 trường hợp, Tổng cục Hải quan 45 trường hợp, Tổng cục Dự trữ xử lý 9 trường hợp và Ủy ban Chứng khoán xử lý 3 trường hợp.
“Báo cáo đại biểu, chúng tôi xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm thông qua các công tác kiểm tra”, tư lệnh ngành Tài chính quả quyết.
Trả lời ĐB Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) về giải pháp trong quản lý, điều hành với một số diễn biến không lành mạnh của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, ông Phớc cho biết, vừa rồi đã thực hiện cách chức 2 cán bộ lãnh đạo, cảnh cáo 2 cán bộ lãnh đạo và kiểm điểm nhiều cán bộ khác.
“Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán bị cách chức, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Chứng khoán HoSE bị cách chức, còn lại Giám đốc Trung tâm lưu ký chứng khoán và Chủ tịch Công ty chứng khoán Việt Nam bị cảnh cáo và xử lý”, ông Phớc dẫn chứng.
Theo Bộ trưởng Tài chính, việc này liên quan đến trách nhiệm của cán bộ. Ví như ban hành các quy chế không đúng với Thông tư của Bộ Tài chính và Nghị định của Chính phủ hoặc để cho nghẽn mạng công nghệ thông tin ảnh hưởng đến nhà đầu tư, thiếu thanh tra, kiểm tra, giám sát. Khi phát hiện ra thì xử phạt hành chính nhưng không đưa ra các quyết định bổ sung là hủy giao dịch chứng khoán.
Thu Hằng - Trần Thường