Sáng 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp, vấn đề liên quan đến đấu giá tài sản được nhiều ĐBQH quan tâm.
ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu thực tiễn đấu giá tài sản cho thấy xác định giá khởi điểm chưa sát với giá thị trường, đấu giá còn xảy ra ép giá, thổi giá; năng lực của đấu giá viên, tổ chức đấu giá còn hạn chế.
ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) dẫn báo cáo số 255 ngày 10/8/2023 của Bộ Tư pháp có nhiều nội dung nêu hạn chế, bất cập của một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, vẫn còn nể nang trong hoạt động đấu giá tài sản.
Trả lời chất vấn của các ĐBQH, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, sắp tới sẽ sửa Luật đấu giá tài sản, ngày mai Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe trước khi trình Quốc hội dự án luật này.
Về thực trạng mà ĐBQH nêu, Bộ trưởng bày tỏ "chúng tôi ý thức được điều đó".
Ông cho biết, ở Việt Nam có hơn 90% trường hợp là đấu giá tài sản công, trong đó phần lớn là đấu giá quyền sử dụng đất. Giá khởi điểm không phải là việc của Luật Đấu giá tài sản, nó vẫn nằm trong Luật Đất đai. Bộ trưởng Tư pháp cho biết, sẽ tiếp tục cùng Bộ TN&MT để xem xét sửa trong Luật Đất đai.
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng thừa nhận: "tình trạng quân xanh, quân đỏ là có tất nhiên chỉ là ngoại lệ", trong dự thảo Luật đấu giá sửa đổi hướng tới siết chặt hơn điều kiện để tham gia đấu giá.
Bộ trưởng cũng nhìn nhận trong thời gian qua có tình trạng thông đồng, dìm giá; kỹ năng hành nghề đấu giá, năng lực của đấu giá viên như ĐBQH nêu.
Bộ trưởng thông tin, trong 5 năm từ 2018 đến 2022, Bộ Tư pháp và các đơn vị khác nhau đã thực hiện 143 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản. Tổng mức phạt vi phạm gần 2 tỷ đồng, 1 số trường hợp chuyển cơ quan điều tra truy tố đấu giá viên. Ông Long dẫn chứng thực tế vụ việc ở Đông Anh (Hà Nội).
Trong pháp luật về đấu giá, Bộ trưởng cho biết, sẽ quy định chặt chẽ hơn về quy trình, cách thức, quy chế để giảm bớt đi tình trạng thông đồng, dìm giá. Ngoài ra, tăng cường biện pháp để chuyên nghiệp hóa đấu giá viên đúng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các văn bản của Đảng.
Trước đây khi hành nghề thì đấu giá viên được miễn hoặc giảm thời gian đào tạo. Nhưng hiện nay thì đấu giá viên cần phải được đào tạo và nắm được kỹ năng hành nghề.
Bộ trưởng cũng cho biết, cần phải chuyên nghiệp hóa, bảo vệ được chức danh nghề nghiệp là đấu giá viên và sẽ có động viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có chế độ bồi dưỡng nhất định.
Về định hướng sửa Luật Đấu giá, Bộ trưởng Tư pháp cho biết tuân theo nguyên tắc đấu giá là pháp luật về hình thức, liệt kê đầy đủ hơn các tài sản công cần phải bán đấu giá, cập nhật những thuật ngữ, siết chặt một số quy định để giảm tình trạng thông đồng, dìm giá, trục lợi và đặc biệt làm thất thoát ngân sách nhà nước. Có biện pháp tăng cường năng lực, chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm đấu giá với tư cách là một nghề tư pháp đặc thù. Ngoài ra, sẽ phát triển đến đấu giá trực tuyến.
ĐB Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) nêu về đấu giá trực tuyến là hình thức hiệu quả để đảm bảo sự công khai, minh bạch, tiết kiệm nguồn lực, chi phí của hoạt động đấu giá. ĐB đề nghị Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết Bộ Tư pháp đã có chuẩn bị như thế nào để thực hiện đấu giá trực tuyến trong thời gian tới.
Bộ trưởng Tư pháp nhận định đấu giá trực tuyến là hình thức rất tốt để hạn chế một số tình trạng như thông đồng, dìm giá, không công khai minh bạch...
Về tài sản tư, ông Long cho biết một số tổ chức đấu giá tài sản tư có trang đấu giá riêng nhưng đấu giá tài sản công giờ mới tính tới. Cơ quan quản lý đang nghĩ đến xây dựng cổng đấu giá trực tuyến nhưng kinh phí, cơ chế quản lý, chịu trách nhiệm… đang gặp khó.
Dẫn bài học từ Hàn Quốc, ông Long cho biết Bộ Tư pháp đang nghiên cứu mô hình giao cho một công ty đấu giá xây dựng và vận hành một trang thông tin điện tử về đấu giá.