Con gái tôi sinh vào đêm 29/1, lịch âm là ngày 9 tháng Giêng năm Ất Sửu. Năm ấy, chả hiểu sao lại đổi lịch nên nhiều năm qua, tôi cứ nghĩ con tuổi Ất Sửu. Mấy năm rồi xem lại, hóa ra con tuổi Giáp Tý.

Con sinh sau Tết, trong một đêm mùa đông. Hồi ấy, chiều nào tôi cũng chơi bóng bàn, rồi bia bọt với bạn bè. Tối cơm nước xong, đang coi tivi, vợ kêu đau bụng, vừa gấp khăn, tã chuẩn bị đồ vừa đòi vào bệnh viện.

Chưa bao giờ đẻ, chả biết gì, nghe ngoài trời gió rít ào ào, lạnh và mưa phùn nên tôi vừa lười, vừa ngại. Tôi bảo, thôi cố nhịn để mai, ban ngày ban mặt, vào bệnh viện cho sáng sủa. Giờ nhớ lại chuyện này, tôi thấy thật buồn cười.

Đêm 29/1, con gái chào đời.

Ban đầu, mọi việc bình thường. Giữa đêm, có điện thoại từ bệnh viện báo vợ tôi phải cấp cứu... Bác sĩ trực, sau khi sản phụ đẻ xong, rủ nhau về nhà bạn bè, tiếp tục vui Tết. Bà lao công vào dọn vệ sinh, phát hiện sản phụ nằm bất động, thoi thóp thở, máu chảy lênh láng, mới tá hỏa chạy báo y sĩ trực.

Chuyện lâu rồi, không muốn nhắc lại. Trong đời tôi, chắc chắn đó là đêm đông, mưa phùn gió bấc, kinh khủng và khó quên nhất.

Tôi vào viện, gặp bác sĩ trực. Anh ta lúng túng, vừa trình bày vừa trấn an, không cho gặp sản phụ. Kíp trực đang hội chẩn. Nghỉ Tết, máu dự phòng hết, chưa biết xử lí thế nào. Trở về, tôi sốt ruột không ngủ được. 

Trời vẫn lạnh, lất phất mưa phùn. 3, 4h sáng, tôi lấy xe chở ông ngoại quay lại viện. 

Vợ tôi nằm trên giường, phủ tấm khăn cháo lòng, da mặt trắng bệch, thở nhẹ...

Cuối buổi sáng, tôi rủ bạn vào viện. Vợ tôi nằm phòng cấp cứu, sau khi truyền mấy lít máu, đã qua cơn nguy kịch.

Con gái nằm trong lồng kính ở dãy nhà khác. Mùa đông ấy, Hà Nội rất lạnh. Bệnh viện thì thiếu thốn, nghèo nàn. Tám cái lồng kính, hỏng 4. Cô y tá khá xinh, dễ thương, nhanh nhẹn, dắt vào bảo, đấy anh thử tìm đi, xem bé nào là con gái mình?

Trẻ sơ sinh giống nhau, đứa nào cũng bé tẹo, đỏ hỏn. Loay hoay tìm một lúc, tôi dừng bên một lồng kính. Một đứa bé nằm tráo đầu đuôi cạnh một bé khác đẻ non, quặt quẹo. Đứa bé đầu trọc lốc, nhắm mắt đang ngủ, nhưng vẫn nhếch mép cười mụ. Như có linh cảm máu thịt mách bảo, tôi quay sang cô y tá mới hỏi, hình như... Cô y tá đã gật gật ra hiệu, đúng là con gái tôi rồi.

bovacongai1.jpg
Nhớ những ngày con còn ấu thơ

Đến tuổi mẫu giáo, con phải đi học. Ngày đầu, tôi chở con bằng chiếc Honda 50 màu đỏ tậm tịt, đến nhà trẻ 20/10 nằm ở góc chéo Thợ Nhuộm - Hai Bà Trưng.

Giao con cho cô, tôi vẫn nghe xót ruột tiếng con khóc thét khi cô dẫn vào lớp. Chính tiếng con vừa khóc vừa hét chuyển thành tiếng nấc ấm ức đã giữ tôi loanh quanh cả tiếng đồng hồ, xem con "nhập học" như thế nào.

Những ngày tiếp, mỗi lần đưa con vào lớp, trước khi quay đi, con đều nói một câu, nghẹn ngào, đầy nước mắt: "Chiều bố nhớ đón con về sớm, bố nhé!".

Cô động viên, "anh yên tâm, cháu nào buổi đầu cũng vậy, trẻ con rồi sẽ quen nhanh thôi". Tôi thường bị nhắc: "Anh đi đi, đừng loanh quanh ở đó, con càng khóc, khó cho tụi em". Còn con, vừa cởi dép, lò dò, lò dò đi vào lớp, ngoái cổ quay lại, đẫm nước mắt, nhìn bố.

Buổi chiều, tôi thường trốn về sớm để qua trường đón con. Tôi nấp ngoài cửa lớp, xem con ăn cháo, chơi đùa, học múa, hát. Bát cháo trường loáng thoáng một vài hạt thịt băm, nguội ngắt. Cổng trường có một dãy hàng quán. Sáng bán sữa, chiều bán cháo bột, mì, quẩy... Đồ ăn thức uống ở đây chất lượng cao, ngon hơn so với bữa ăn hàng ngày của lũ trẻ.

Vào mỗi kì lương, tôi dắt con gái ra cổng trường ăn quà trước khi về nhà.

Sẽ không bao giờ có thể quên được ánh mắt mừng rỡ và những bước chạy của con khi thấy tôi xuất hiện ở cửa lớp học cuối mỗi buổi chiều. Con thường quên cả chào cô, chào bạn, vội vàng chạy đến chỗ để dép và lao vào trong vòng tay của tôi.

Cuối năm 1989, tôi mang con theo trong chuyến công tác phía Nam cả tháng. Mấy ngày đầu phải đi Biên Hoà, tôi gửi con ở nhà bà bác, ngay ngã ba Điện Biên Phủ - Nguyễn Thiện Thuật (Quận 3, TP.HCM). Tỉnh xếp đoàn ăn ngủ, làm việc tại nhà khách công vụ. Chiều nào con cũng ra cửa, ngóng bố.

Không thấy tôi về, con khóc, không chịu vào nhà, không ăn, không ngủ. Mọi người dỗ sao cũng không nghe. Bà bác, chị tôi và mấy đứa cháu nghe con khóc dai dẳng xót ruột không chịu được, đành bảo cậu út, lấy Honda chở con lên Biên Hòa.

Con ở lại với tôi gần tháng suốt đợt công tác. Đêm đêm hai cha con ôm nhau ngủ. Con mặc quần cộc, áo hoa, suốt ngày lăn lê nằm bò ra sàn nhà, xem tôi vẽ...

Sau gần ba chục năm, tôi quay quắt nhớ lại những chuyện này. Người lớn thường nhớ dai, tụi trẻ ngược lại. Nhớ chuyện con đi học, nhớ cô giáo của con, nhớ những ông bố, bà mẹ đứng chờ con ở cổng trường mỗi buổi chiều... 

Tóm lại, tôi nhớ tất cả những gì liên quan đến con. Chắc con sẽ rất ngạc nhiên, sao hôm nay lẩn thẩn, tôi lại nhắc những chuyện này. Tôi là ông bố, chả cần ghi nhật kí như thời trẻ, vẫn nhớ hết, nhớ dai.

Sau khi học cấp 3 trường Amsterdam, con tự tìm đến một trung tâm du học, tự làm đơn, hồ sơ theo một chương trình giao lưu văn hoá Việt - Mỹ. Tôi chỉ được biết và chấp nhận khi mọi việc gần như đã hoàn tất. Con mang gene tôi, tất cả mọi thứ đều tự quyết, dám làm và chịu trách nhiệm.

Tôi đưa con đi phỏng vấn xin visa vào Mỹ ở Láng Hạ. Con tỏ ra lo lắng, nhưng chuyện xin visa thuận lợi. Chỉ chờ vé máy bay và lên đường.

Tết đầu tiên xa nhà, từ Ohio, con viết cho tôi bức thư, gửi một người bạn từ Mỹ về Hà Nội nghỉ Tết. Tôi đã đọc bức thư không chỉ một lần với một tâm trạng thật đặc biệt, lần nào mắt cũng cay xè. Cảm nhận rất rõ của tôi là con viết hay, tình cảm và rất già.

Thư viết đại ý: "...Con đã đến được nơi con cần đến, để tránh xa những cuộc cãi vã triền miên của bố mẹ, mặc dù con biết bố đã tìm mọi cách giấu con và em Mi". Cuối thư, con kể, Mi đã viết cho con, khuyên rằng chị phải thông cảm với bố, vì bố cũng có những nỗi khổ riêng. Con kết thúc bức thư bằng 3 chữ, "con yêu bố!".

Tôi đã để bức thư ấy dưới gối, mỗi đêm lặng lẽ trở về, đọc đi đọc lại nhiều lần với tận cùng xót xa. 

Hai năm sau, cuộc hôn nhân hai mươi năm của tôi kết thúc. Trời đã định như thế. Tôi rời khỏi ngôi nhà 25 Phan Đình Phùng, hai bàn tay trắng để lại bước vào một cuộc mưu sinh mới. Số phận, điều mà trước đó tôi chả mấy khi tin, đã gọi tên tôi, như được ông trời định đoạt sau gần 6 năm cố gắng níu kéo.

Năm 2005, tôi được tháp tùng chuyến đi của Thủ tướng Chính phủ, thăm chính thức nước Mỹ sau 30 năm kết thúc chiến tranh và 10 năm bình thường hoá quan hệ giữa 2 nước. Tôi đã đến Washington D.C, ở khách sạn Mayflower, khá gần với căn hộ con thuê trên đường Connecticut.

Ba năm sau khi con rời Hà Nội, giờ tôi mới được gặp lại con. Cũng là 3 năm khó khăn nhất trong quan hệ của cha con tôi với không ít những thị phi, những đồn thổi ác ý.

Con trưởng thành sau những tháng năm tự lập, hình như càng già dặn, càng lì. Cha con tôi dắt nhau đi chơi. Trước khi tạm biệt, con ôm tôi, nhìn tôi bảo, ngần ấy ngày, con muốn hỏi lại bố một vài chuyện đã qua, muốn nhận từ bố một câu trả lời mà không được... Ánh mắt con thật buồn.

Trên đường bay từ Boston sang Ottawa, tôi đã dành trọn những ý nghĩ về con. Qua Ottawa, tôi đã "chat" với con liên tục. Con bảo đã từng vô cùng giận bố, đã chờ ngày gặp bố để trút nỗi giận hờn chất chứa suốt nhiều năm. Không hiểu sao, sau ngần ấy năm chờ đợi, gặp bố, con lại không nói được. Một là, xung quanh bố lúc nào cũng đầy bạn bè, nên cuộc nói chuyện nào cũng dở dang. Hai là, mỗi khi đứng trước bố, con luôn cảm thấy mình bé nhỏ, mất cả tự tin về những gì con đã chuẩn bị, suốt những năm tháng buồn tủi đã qua...

Tôi nhớ như in cảm giác đã xót xa thế nào trên chặng bay ngắn từ Boston sang Ottawa. Làm thủ tục vào khách sạn ở Ottawa xong, tôi cuống cuồng vội lao vào phòng tìm cách mở máy tính để chat với con. Thời điểm cuối tháng 6/2005, kiến thức về internet của tôi bằng 0. May có nhân viên khách sạn kịp thời hỗ trợ, tôi mới liên lạc được. Dù chưa bù đắp được gì cho những buồn tủi của con, nhưng chuyến đi và hơn 1 tuần ở cùng con đã hàn gắn được phần nào những vết nứt tình cảm giữa hai cha con.

Yêu thương không phải bao giờ cũng cần diễn đạt bằng lời. Yêu thương càng không cần kiểm điểm, thanh minh. Vượt qua giận hờn buồn tủi, phương thuốc hữu hiệu nhất vẫn chính là thời gian...

con gai.jpg
Ngày vui của con

Ra trường, con ở lại làm việc cho một công ty kiểm toán tại Washington D.C. Công việc ổn định, con thường xuyên đi về giữa Washington D.C và Hà Nội. Năm 2008, con gái thứ 2 - Anh Bui Mimi, theo gương chị tự làm tất cả mọi thứ cần thiết để sang học ở San Francisco. Một năm sau, vào đại học, con chuyển đến học tại American University, Washington D.C. Hai chị em ở cùng nhau, vẫn căn hộ trên đường Connecticut. Mọi việc sáng hơn, thuận hơn, cả vật chất và tinh thần.

Năm 2012, tôi đi Cuba và trở về Mỹ khoảng giữa tháng 9. Hai đứa nhỏ ra sân bay Dulles đón tôi lúc hơn 2h sáng. Ở Washington D.C 3 ngày, tôi cùng hơn ba chục người trong đoàn đi New York. Loanh quanh gần 2 tuần, chúng tôi rong ruổi khắp các thành phố từ miền Đông qua miền Tây nước Mỹ. Khi đoàn từ Los Angeles về Hà Nội, tôi một mình bay trở lại miền Đông chơi với hai đứa nhỏ. Có thể nói, đây là những ngày vui vẻ nhất của cha con tôi sau đúng 10 năm, kể từ khi con rời Việt Nam đến nơi con muốn.

Vết thương nào rồi cũng sẽ lành, dù vết sẹo có thể chỉ mờ dần không hết. Tôi đã ở với 2 đứa cả chục ngày. Ngày 10/10, tôi bay về Hà Nội. Còn 16 ngày nữa thì Mimi đủ 21 tuổi. Lễ sinh nhật lần thứ 21 đối với người Mỹ cũng như một số nước phương Tây là một ngày lễ quan trọng. Hai con rủ tôi ở lại đến sinh nhật Mi, nhưng không thể vì tôi còn bao nhiêu việc trong cuộc trường chinh để mưu sinh.

Những ngày đầu tôi về ở với tụi nhỏ, một số cư dân người Việt trong tòa nhà xì xào với nhau là con gái có bạn trai mới - một anh chàng đầu trọc. Chỉ đến khi tôi chuẩn bị về, con gái mời bạn bè đến nhà chơi, mọi người mới vỡ lẽ.

Một ngày cuối tuần, con chở tôi đến nhà bạn. Trên đường, tiện ghé đón một người bạn không có xe. Tôi ngồi ghế trước, đang điện thoại với Việt Nam. Cô bạn của con lên xe, rất lễ phép: "Em chào chị, em chào anh". Kết thúc cuộc điện thoại, tôi quay lại bảo: "Anh cũng chào em. Xin giới thiệu, anh là ông thân sinh ra chị Mino". Con bé ô a ô a, mặt đỏ lựng, xin lỗi rối rít. Kể ra 2 lần nhầm thế, nếu có chút ngầm sung sướng, cũng là bình thường. Vậy là mình vẫn chưa già.

Tháng 10, Washington D.C thoáng xen những ngày khá lạnh, cây bắt đầu thay lá, cảm thấy như mùa đông đang sắp về. Hai đứa nhỏ, đứa đi làm, đứa đi học. Sáng, tụi nhỏ thả tôi ở đâu đó. Hẹn gặp lại nhau vào buổi tối. Chuyến đi này, tôi lang thang nhiều hơn so với những lần đã đến đây.

Con bay đi rồi. Lần này về, con chính thức giới thiệu bạn trai - một anh chàng Việt, có nét giống Trung Quốc, không mới. Tôi nghĩ mãi về chữ "hạnh phúc và số phận" trong ngày gia đình bạn trai con "dạm ngõ".

Chẳng hiểu có phải tôi chưa kịp chuẩn bị để làm "bố vợ phải đấm" hay vì quá yêu con, nên chưa bao giờ tôi mong con lấy chồng hay cảm thấy sốt ruột chuyện lấy chồng của con. Con ở Mỹ, loanh quanh cũng sang năm thứ 13 rồi.

Ban đầu, định sẽ chỉ viết đôi điều, ghi lại cảm xúc khi tiễn con đi. Sau 5 tháng, thành bản tóm tắt tiểu sử, rất dài. Con đang chuẩn bị cho một dự định mới, một quyết định quan trọng nhất của đời người. Mới đấy mà đã hơn ba chục năm rồi.

Thành phố giờ không ruộng, không trâu. Chả hiểu sao ngày xưa các cụ lại đánh giá cao "ruộng sâu trâu nái" thế? Con là con gái đầu lòng, sau con là hai em gái.

Nhiều lần, con bé út Bui Lucky hỏi tôi, "bố viết về chị Mi, về con rồi, sao bố không viết về chị Mino?". Những hồi tưởng này, như một món quà tặng con gái đầu lòng Anh Bui Minô, trước khi lấy chồng!

Con dâu của bố, phúc phần của gia đình tôi

Con dâu của bố, phúc phần của gia đình tôi

Dù chưa một lần nghe bố vạch ranh giới nhưng chúng tôi luôn hiểu rằng đi lấy chồng, nơi mình cần vun vén là nơi mình đang sống và sinh con đẻ cái. Nhà của bố đẻ thì giao phó cho chị dâu và em dâu.