Cải cách hành chính làm trung tâm
Điểm sáng Bình Định đang được khẳng định trên bản đồ chuyển đổi số toàn quốc, nhiều chỉ số được đánh giá cao, tỉnh này cũng vừa nằm trong top những địa phương dẫn đầu ở nhiều lĩnh vực, về tình hình và kết quả triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương. Đó là một trong những dấu ấn hành trình chuyển đổi số của địa phương nằm ở dải đất miền Trung này.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn chia sẻ cách đây không lâu, cải cách hành chính là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của sự phục vụ hành chính.
Người đứng đầu tỉnh Bình Định nêu rõ, các đơn vị cần quán triệt sâu sắc yêu cầu cải cách hành chính là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của sự phục vụ hành chính; kết quả cải cách hành chính là “thước đo” đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và của người đứng đầu…
Nâng tầm giá trị chuyển đổi số của tỉnh, Bình Định đặt người dân là trung tâm của quá trình. Văn phòng Chính phủ nhận xét, Bình Định là một trong những địa phương thực hiện tốt số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Bình Định triển khai hiệu quả về đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ, sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Hiện nay, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã kết nối với tổng cộng 22 cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành để phục vụ cho công tác quản lý, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; trong đó, có 7 cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành do các cơ quan chức năng thuộc tỉnh quản lý và 15 cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành các Bộ, ngành Trung ương quản lý; đáng chú ý là: Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm…
Điểm nổi bật của tỉnh Bình Định chính là kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với Hệ thống thông tin của mốt số bệnh viện, trường học, doanh nghiệp cấp nước, vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh giúp người dân Bình Định thực hiện thanh toán trực tuyến viện phí, phí trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh – hiện đang sử dụng chung nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Chuyển đổi số len lỏi từng ngõ ngách
Cải cách hành chính giúp Bình Định chuyển mình, người dân được hưởng lợi trên mọi mặt cuộc sống. Người người, nhà nhà áp dụng chuyển đổi số vào cuộc sống từng ngày, từng giờ. Đơn cử như ngành giáo dục, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, là một trong những trường đi đầu về chuyển đổi số với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo. Không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc quản lý, dạy và học, lãnh đạo nhà trường chuyên Lê Quý Đôn đã chủ động xây dựng hình ảnh nhà trường cởi mở, công khai trên mạng thông qua việc xây dựng website, fanpage. Thông tin, hoạt động của trường được cập nhật, đăng tải thường xuyên.
Các thông tin về điểm thi được cập nhật nhanh chóng lên website giúp học sinh, phụ huynh dễ dàng tra cứu, tiết kiệm thời gian, công sức. Cũng nhờ việc xây dựng hình ảnh nhà trường trên mạng xã hội mà số lượng hồ sơ đăng ký thi tuyển vào trường ngày càng tăng.
Ngoài ra, hiện nay nhà trường đang xin phép Sở giáo dục Bình Định cho phép duyệt hồ sơ số (bao gồm học bạ, sổ ghi đầu bài, hồ sơ khen thưởng, hồ sơ kiểm tra, đánh giá cán bộ giáo viên, kế hoạch giáo dục, bài dạy, hồ sơ quản lý...)
Sở đã triển khai các nền tảng dạy học trực tuyến, kho dữ liệu dùng chung; phối hợp xây dựng hoàn thành cơ sở dữ liệu cho Trung tâm điều hành giáo dục thông minh IOC-vnEdu.
Hệ thống này giúp quản lý được thông tin về trường, lớp, giáo viên, học sinh…11 phòng giáo dục, 637 cơ sở đào tạo với số lượng 18.133 cán bộ, giáo viên, hơn 314.000 học sinh đã được đưa lên hệ thống. Từ những số liệu đó các cấp quản lý có thể chỉ đạo điều hành một cách nhanh chóng, thuận tiện.
Ngành du lịch Bình Định đang trên đà phát triển, tỉnh này đang trở thành một trong những động lực tăng trưởng và được xác định là một trong 5 trụ cột của nền kinh tế giai đoạn 2020 - 2025 và sau này. Tỉnh Bình Định đã tranh thủ nhiều nguồn lực tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hoá, cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển du lịch, trong đó xác định ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là nội dung quan trọng.
Đến nay, Sở Du lịch Bình Định đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch đạt được một số kết quả bước đầu:
Trong công tác điều hành, quản lý nhà nước về du lịch, Sở Du lịch đã đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện các thủ tục hành chính trên hệ thống dịch vụ công quốc gia. Triển khai hệ thống Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử gắn với đánh giá hài lòng việc giải quyết thủ tục hành chính.
Triển khai phần mềm báo cáo trực tuyến cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn nhằm giảm bớt chi phí, thời gian của tổ chức, cá nhân trong thực hiện các quy định về thống kê báo cáo. Triển khai thực hiện phòng họp không giấy;vận hành phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của Sở Du lịch; xây dựng “Chính quyền điện tử Sở Du lịch Bình Định” trên Zalo OA….
“Trải thảm” thu hút nhân lực chất lượng cao
Mũi nhọn của Bình Định không thể kể đến xuất nhập khẩu, chính chuyển đổi số ngành logistics đã đóng góp không nhỏ trong hoạt động xuất nhập khẩu của Bình Định, trở thành một điểm sáng bởi tốc độ tăng trưởng vượt bậc.
Trong năm 2022, ngành logistics đã có những đóng góp không nhỏ trong hoạt động xuất nhập khẩu, tiếp tục đưa hoạt động xuất nhập khẩu thành một điểm sáng bởi tốc độ tăng trưởng vượt bậc chưa từng có so với những năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt 2.060 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 1.606,3 triệu USD (cao nhất từ trước đến nay), tăng 11,3% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 453,7 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ, cán cân thương mại hàng hóa của tỉnh năm 2022 xuất siêu 1.152,6 triệu USD.
Song song với việc thực hiện chuyển đổi số, hạ tầng logistics của tỉnh ngày càng được cải thiện với đầy đủ các hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không. Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc, các sân bay, bến cảng và trung tâm logistics đang được xây dựng và mở rộng đã góp phân nâng cao năng lực xử lý hàng hóa, thúc đẩy lưu thông hàng hóa nhanh chóng và thuận tiện.
Để đạt được những thành công, nguồn nhân lực luôn được tỉnh chú trọng, UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2022 – 2025. Theo đó, tỉnh Bình Định triển khai nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, như: giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, chuyên gia (trong nước và ngoài nước); sinh viên tốt nghiệp ĐH đạt loại xuất sắc ở trong nước hoặc đạt loại giỏi trở lên tại các cơ sở giáo dục ĐH ở nước ngoài...
Người thuộc diện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ được tỉnh Bình Định hỗ trợ kinh phí (hỗ trợ 1 lần) và hỗ trợ về đất ở, nhà ở, thuê nhà ở. Cụ thể, kinh phí hỗ trợ một lần đối với giáo sư là 400 triệu đồng/người, phó giáo sư 350 triệu đồng/người, tiến sĩ 300 triệu đồng/người, nhà khoa học và chuyên gia 250 triệu đồng/người. Những đối tượng được thu hút này nếu có nhu cầu nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc mua nhà ở trên địa bàn tỉnh Bình Định được hỗ trợ (một lần) 400 triệu đồng/người.
Sinh viên tốt nghiệp đại học đạt loại xuất sắc tại các cơ sở giáo dục đại học ở trong nước hoặc đạt loại giỏi trở lên tại các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài, giáo viên, nhà giáo khối giáo dục nghề nghiệp, huấn luyện viên được hỗ trợ kinh phí một lần 150 triệu đồng/người và hỗ trợ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc mua nhà ở với mức 200 triệu đồng/người.
Công Sáng