Trái cà pháo từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân, đặc biệt ở khu vực Bắc - Trung bộ, được ghi nhận trong thơ ca và hình ảnh bữa cơm làng quê.
Cà pháo còn gọi là cà gai hoa trắng, tên khoa học là Solanum torum. Nó là cây nhỏ, lá xẻ thùy nông, có gai. Hoa màu trắng, quả màu trắng đổi màu vàng khi chín. Toàn cây đều có thể dùng làm thuốc. Quả xanh có thể luộc, làm nộm hay xào, quà già có thể muối xổi ăn dần, hoặc muối mặn hơn sẽ lưu được lâu hơn.
Tuy nhiên, trong sách của cụ Hải Thượng Lãn Ông có ghi: “Không nên ăn nhiều cà sống.” Hay trong dân gian cũng lưu truyền câu nói: “Một quả cà bằng ba thang thuốc.” Ngụ ý một số tác dụng có hại cho sức khỏe khi ăn cà pháo.
Cà pháo cung cấp vi khoáng cần thiết như kẽm, kali, các vitamin nhóm B. Tuy nhiên, trong cà lại chứa một lượng solanin. Chất solanin trong cà cũng gây độc như chất trong mầm của khoai tây.
Quả cà chưa chín có lượng solanin cao hơn nhiều so với quả chín. Ngộ độc solanin chủ yếu gây rối loạn tiêu hóa và thần kinh. Trong cà tươi, hàm lượng chất này cao gấp 5-10 lần so với mức an toàn. Vì thế, ăn nhiều cà pháo tươi dễ bị ngộ độc.
Để cà pháo là một món ăn ngon lành và an toàn cho sức khỏe, chúng ta cần lưu ý không nên ăn cà pháo còn xanh, hoặc chọn quả xanh muối xổi, mặc dù ăn các quả còn non xanh sẽ cho cảm giác giòn ngon miệng hơn. Nên xào nấu, muối mặn, hoặc chọn quả chín hơi già để muối, hàm lượng các chất gây độc cũng giảm bớt đi.
Do cà pháo có tính hàn, nên ăn kèm với các gia vị có tính ôn như: tỏi, ớt, sả,… Cũng cần kiêng dùng với những người mới khỏi bệnh, cơ thể còn suy yếu, hoặc phụ nữ sau sanh khí huyết hư kém cũng cần kiêng món này.
Người bị đau nhức cơ khớp nhiều, cơ thể mỏi mệt, cũng cần hạn chế ăn cà pháo trong giai đoạn đau nhiều.
Cà muối nếu ăn một lượng vừa phải cũng là một thức ăn hỗ trợ tiêu hóa tốt, giảm nê trệ. Một vài lưu ý trên giúp cà pháo trở thành món ăn vừa bén cơm vừa an toàn cho sức khỏe.
Bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cơ sở 3