Nghiên cứu được công bố ngày 4/4 trên tạp chí CA cho biết, toàn cầu ghi nhận 20 triệu ca ung thư mới và 9,7 triệu ca tử vong do ung thư vào năm 2022. Số liệu trên đồng nhất với dữ liệu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra vào tháng 2.
Theo báo cáo, ước tính cứ 5 người thì có 1 người bị chẩn đoán mắc ung thư trong đời, dẫn đến tỷ lệ tử vong ở 1 trong 9 nam giới và 1 trong 12 phụ nữ. Với tỷ lệ này cùng mức dân số thế giới dự kiến, số ca ung thư mới sẽ tăng 77% lên 35 triệu vào năm 2050.
"Quy mô tổng thể của ung thư và sự đa dạng của các loại ung thư theo khu vực trên thế giới nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp kiểm soát ung thư có mục tiêu. Đầu tư vào phòng ngừa, bao gồm nhắm mục tiêu tới các yếu tố nguy cơ chính gây ung thư có thể ngăn chặn hàng triệu ca mắc và cứu sống nhiều người”, báo cáo kết luận.
Những loại ung thư phổ biến nhất
Các chuyên gia sử dụng cơ sở dữ liệu GLOBOCAN để nghiên cứu 36 loại ung thư ở 185 quốc gia vào năm 2022. Sau đây là các loại ung thư phổ biến nhất ở cả hai giới cộng lại mặc dù giữa hai giới có một số khác biệt đáng chú ý. Ví dụ, ung thư vú ở nữ giới phổ biến hơn ung thư phổi.
Ung thư phổi - chiếm 12,4% số ca ung thư
Ung thư vú - 11,6%
Ung thư đại trực tràng - 9,6%
Ung thư tuyến tiền liệt - 7,3%
Ung thư dạ dày - 4,9%
10 loại ung thư hàng đầu chiếm khoảng 2/3 tổng số ca trên toàn cầu. Ung thư gan, tuyến giáp, cổ tử cung, bàng quang, hạch không Hodgkin chiếm phần còn lại trong 10 loại ung thư hàng đầu ở cả hai giới.
Nguy cơ mắc ung thư tùy theo nơi sống
Dưới đây là tỷ lệ mắc ung thư và tử vong theo khu vực địa lý:
Châu Á - 49,2% số ca mắc mới, 56,1% số ca tử vong trên toàn cầu
Châu Phi - 5,9% và 7,8%
Châu Đại Dương - 1,4% và 0,8%
Châu Âu - 22,4% và 20,4%
Châu Mỹ - 21,1% và 14,9%.
Số ca mắc ung thư sẽ tăng 77% trên toàn cầu
Theo USA Today, số bệnh nhân ung thư phổi, vốn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư trên toàn cầu, có thể tăng thêm tỷ lệ xuất hiện ở các nước kém phát triển. Báo cáo cho rằng "đại dịch thuốc lá" ở các quốc gia có mối liên hệ với tỷ lệ ung thư phổi.
Ví dụ, tỷ lệ ung thư phổi ở Anh và Mỹ đã giảm sau khi tỷ lệ hút thuốc lá giảm ở 2 quốc gia này, nhưng phải chờ đến 20-25 năm sau. Ở những nước đang trải qua quá trình chuyển đổi kinh tế và tỷ lệ hút thuốc lá tăng cao, tỷ lệ ung thư phổi có thể sẽ tiếp tục tăng trong vài thập kỷ tới.
Nghiên cứu kết luận rằng việc nhắm mục tiêu vào các yếu tố nguy cơ, bao gồm hút thuốc, béo phì và nhiễm trùng, là cần thiết để cứu sống mạng người và mang lại lợi ích kinh tế - xã hội.