Hơn 90% số mũi tiêm đã được cập nhật trên nền tảng quản lý
Là 1 trong 3 nền tảng công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 được 2 Bộ Y tế và TT&TT đề nghị các địa phương triển khai thống nhất, nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 vận hành chính thức từ ngày 10/7, cùng thời điểm chiến dịch Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc khởi động.
Được phát triển bởi Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 gồm 4 hệ thống: Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, Cổng công khai thông tin tiêm chủng Covid-19 (https://tiemchungcovid19.gov.vn), Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng quốc gia, Trung tâm đáp ứng (MCC). Cơ sở dữ liệu của nền tảng được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý.
Nền tảng tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 được thiết kế và xây dựng theo hướng toàn trình, có khả năng quản lý vắc xin từ khi về đến khi nhập kho, xuất kho, phân bổ, vận chuyển và tiêm; cho phép quản lý đến từng liều, từng lô, từng loại vắc xin ở từng cơ sở tiêm chủng.
Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 được ứng dụng tại một điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh Phú Yên. |
Thực tế, việc ứng dụng nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 đã hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 hiện có khả năng đáp ứng 5 triệu mũi/ngày phục vụ yêu cầu tiêm chủng tăng cường, mở rộng của Bộ Y tế.
Theo thống kê, đến hết ngày 4/9, tổng số mũi tiêm cập nhật lên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 là 19.093.901, đạt 90,66% số mũi tiêm thực tế. Tổng số thuê bao cài đặt ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử là 4.282.739.
Toàn bộ dữ liệu tiêm chủng sẽ được nhập vào phần mềm
Để quản lý công khai, minh bạch dữ liệu tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên hệ thống phần mềm, đồng bộ với dữ liệu tiêm thực tế tại địa phương, Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nhập toàn bộ dữ liệu tiêm chủng ở tất cả cơ sở y tế thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại địa phương (bao gồm dữ liệu từ khi chưa áp dụng phần mềm và đã áp dụng nhưng chưa kịp thời cập nhật) lên hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Yêu cầu trên của Bộ Y tế cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị quản lý, cơ sở tiêm chủng và các cá nhân, tổ chức tiêm chủng có thể tra cứu, tổng hợp, báo cáo kết quả, cập nhật thông tin đối tượng đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 để có cơ sở gọi tiêm mũi 2…
Thông tin trên hệ thống quản lý tiêm chủng sẽ là số liệu chính thức để Bộ Y tế đánh giá mức độ hoàn thành tiêm chủng của các địa phương. |
Cụ thể, các địa phương được đề nghị trước ngày 15/9 báo cáo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng về tổng hợp số liệu mũi tiêm đã được cập nhật trên hệ thống. Theo đó, các địa phương cần rà soát, tổng hợp số liệu mũi tiêm đã thực hiện và số mũi tiêm cập nhật lên hệ thống tiemchungcovid19.moh.gov.vn theo các nội dung: số mũi đã tiêm thực tế, số mũi đã nhập lên hệ thống và số mũi tồn chưa nhập hệ thống.
Đáng chú ý, để quản lý thống nhất trên nền tảng, UBND các tỉnh, thành phố được Bộ Y tế đề nghị chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng đóng trên địa bàn nhập mới và nhập hồi cứu (nhập dữ liệu cũ khi chưa áp dụng nền tảng quản lý tiêm chủng – PV) dữ liệu đối tượng tiêm chủng lên hệ thống quản lý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Các cơ sở tiêm chủng được yêu cầu nhập dữ liệu bao gồm: các bệnh viện Trung ương, bệnh viện Bộ, ngành; các bệnh viện tuyến tỉnh, quận huyện; các phòng tiêm tại trung tâm y tế tuyến tỉnh, quận, huyện; các trạm y tế xã, phường, thị trấn, các phòng tiêm dịch vụ được cấp phép và đủ điều kiện tham gia tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19...
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, với số lượng mũi tiêm đã nhập Excel nhưng chưa cập nhật lên hệ thống, cần cử cán bộ chuẩn hóa dữ liệu và cập nhật lên hệ thống theo tài liệu hướng dẫn của đơn vị phát triển nền tảng.
Với số lượng mũi chưa nhập lên file Excel (đang lưu bản giấy), cần huy động lực lượng hỗ trợ nhập liệu, đăng dữ liệu, rà soát lại nội dung thông tin cơ bản nhất của người dân, bao gồm: họ và tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, số điện thoại di động, số Căn cước/CMND, số thẻ bảo hiểm, dân tộc, quốc tịch, tỉnh, huyện, phường (xã), địa chỉ chi tiết nơi ở hiện tại, loại vắc xin đã tiêm mũi 1, ngày tiêm mũi 1, lô vắc xin tiêm mũi 1, mã cơ sở tiêm mũi 1.
Đối với các phiếu không đủ thông tin như trên, các cơ sở tiêm cần huy động lực lượng rà soát và bổ sung thông tin đầy đủ, sau đó cập nhật lên hệ thống.
Sau khi toàn bộ dữ liệu tiêm được cập nhật, đồng bộ và chuẩn hóa, những người đã tiêm có cài ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử có thể tra cứu chứng nhận tiêm chủng. |
Sau khi dữ liệu được đồng bộ và chuẩn hóa, tất cả người dân đã tiêm có cài đặt và sử dụng Sổ Sức khỏe điện tử sẽ nhận được chứng nhận điện tử. Những người đã tiêm một mũi vắc xin ngừa Covid-19 có chứng nhận màu vàng, còn người tiêm đủ 2 mũi có chứng nhận màu xanh. Tình trạng được nhiều người dân phản ánh là tiêm vắc xin phòng Covid-19 hàng tháng vẫn chưa có chứng nhận điện tử hiển thị trên ứng dụng di động sẽ được giải quyết.
Trong chia sẻ tại hội nghị trực tuyến phổ biến kinh nghiệm triển khai các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc hồi đầu tháng 8, đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không ứng dụng công nghệ ngay từ đầu trong Chiến dịch tiêm chủng, người dân trên địa bàn sẽ thiệt thòi vì chưa được cấp chứng nhận điện tử. Quan trọng hơn, do số liệu không được trọn vẹn và có thể được lưu trên giấy hay trên Excel, chúng ta sẽ không quản lý được ai đã tiêm mũi 1 để mời đi tiêm mũi 2, chưa biết được ai đã tiêm hay chưa”.
Vân Anh
Ba nền tảng công nghệ phòng chống dịch Covid-19 bắt buộc dùng chung toàn quốc
Bộ TT&TT vừa đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy/ Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai nhanh, hiệu quả 3 nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng chống dịch Covid-19.