Loay hoay tìm hướng đi mới

Câu hỏi của một giám đốc điều hành công ty giải pháp công nghệ tại Tọa đàm “Doanh nghiệp ứng phó khủng hoảng trong biến động toàn cầu” do Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Đà Nẵng tổ chức mới đây khiến nhiều người không khỏi quan ngại: “Thị trường Nhật Bản hiện nay rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp làm outsource (dịch vụ thuê ngoài) phải chuyển qua một số nước khác. Chúng tôi muốn nghe thêm thông tin về thị trường mới, ví dụ Indonesia khoảng 300 triệu dân thì cách doanh nghiệp tiếp cận nên thế nào?”.

Trước câu hỏi này, ông Lê Trí Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Đà Nẵng thẳng thắn nhìn nhận: “Nhiều doanh nghiệp công nghệ đang rất chật vật trong chuyện ra thị trường nước ngoài”.

Ông Hải chia sẻ thêm thông tin liên quan tới thị trường Nhật Bản: Với các công ty outsource, bình thường mức lợi nhuận 20 – 30%, nhưng đồng Yên có giai đoạn rớt quá mạnh thì họ bị lỗ. Rất nhiều doanh nghiệp chỉ có 4 – 5 nhân sự, sau khi đồng Yên rớt giá, họ gần như phải giải tán. Không ít doanh nghiệp Việt Nam ở Nhật đang nỗ lực tìm hướng thâm nhập các thị trường khác. 

“Công ty của tôi cũng đang tích cực thâm nhập thị trường quốc tế thông qua các kênh kết nối như hiệp hội xúc tiến thương mại, hiệp hội công nghệ thông tin. Với Indonesia, chúng tôi chưa bao giờ phân tích thị trường. Nhưng có lẽ cũng phải thông qua các hiệp hội”, ông Hải đưa ra lời khuyên.

Giáo sư Trần Văn Thọ, một nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp về tư duy kinh tế cho Việt Nam lưu ý: “Muốn thâm nhập vào một thị trường nào đó thì phải hiểu và phải có thông tin chính xác. Các quốc gia đều có những cơ quan đại diện xúc tiến thương mại, có “chân rết” tại nhiều nước trên thế giới, có thể cung cấp thông tin cơ bản về thị trường và các ngành nghề cho doanh nghiệp”.

Khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu không chỉ tới với doanh nghiệp công nghệ. Ông Trương Phước Ánh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hội viên vàng phân tích: Sau 2 năm đại dịch, nền kinh tế toàn cầu bị tác động bởi nhiều yếu tố, lạm phát gia tăng, giá nguyên nhiên liệu sản xuất tăng cao, chuỗi cung ứng bị gián đoạn… Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nên khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thế giới.

“Bên cạnh những tác động từ bên ngoài, bản thân chúng ta cũng có những yếu tố nội tại”, ông Ánh nhấn mạnh và nêu một loạt con số dẫn chứng: 4 tháng đầu năm 2023 có hơn 77.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 25,1% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp khó khăn dẫn đến người lao động mất việc làm. Từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023 có gần 547.000 lao động tại doanh nghiệp bị ảnh hưởng công việc.

Ứng phó cách nào trước những “cơn gió ngược” của thương mại toàn cầu vẫn đang là câu hỏi lớn của các doanh nghiệp?

Những tín hiệu lạc quan

Theo Giáo sư Trần Văn Thọ, hoạt động của doanh nghiệp thăng trầm theo tình hình thế giới và tình hình vĩ mô trong nước. Doanh thu của doanh nghiệp chẳng hạn, khó khăn thì doanh thu đi xuống, còn thuận lợi thì lại đi lên. Quan trọng là doanh nghiệp phải giữ được hướng tiến lên, tăng cường thế lực để giảm thiểu tổn thương khi có biến động.

Hiện vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan. Dù kinh tế thế giới biến động, giảm tốc nhưng chưa khủng khoảng. Theo dự báo kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF 4/2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu của năm 2022 đạt 3,4%, năm 2023 đạt 2,8%, và 2024 đạt 3%. Riêng khu vực châu Á đạt trên 5% trong năm 2023 và 2024; Việt Nam và Ấn Độ khoảng trên dưới 6%. 

“Xung quanh chúng ta, kinh tế vẫn phát triển. “Dòng thác” FDI đang đến Việt Nam. Dư địa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Việt rất lớn”, Giáo sư Trần Văn Thọ khẳng định.

Để ứng phó với thực trạng khó khăn, Giáo sư Thọ cho rằng các doanh nghiệp cần chú trọng hơn tới việc gia tăng nguồn lực kinh doanh, gồm nguồn nhân lực, công nghệ, thương hiệu, năng lực đổi mới sáng tạo…, và cả chiến lược kết nối với doanh nghiệp khác.

Nhiều khuyến nghị đã được các chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất nhằm giúp doanh nghiệp sớm vượt qua giai đoạn khó khăn.

Làm ở mảng điều hành doanh nghiệp, chứng kiến vô vàn khó khăn về tài chính, nhân sự, thị trường, marketing... của giới doanh nhân, một đại biểu tham gia tọa đàm khuyến nghị: “Hơn bao giờ hết, trong giai đoạn này, lãnh đạo doanh nghiệp phải phát huy vai trò của “chiến binh”, người truyền cảm hứng, tạo động lực cho toàn đội ngũ. Trong giai đoạn này, các “chiến sĩ” dường như khá mỏi mệt, thiếu những phương tiện để có thể tồn tại và xông pha ra “chiến trường”. Cần phát huy tinh thần của những “người lính” trong doanh nghiệp, không chỉ làm việc với 100% sức lực như trước, mà phải làm 150 – 200% , thậm chí 300% mới mong có thể tồn tại được. Sự đồng bộ trong tư duy của từ cấp lãnh đạo tới nhân viên sẽ là sức mạnh từ bên trong, là nền tảng giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn”.

Bình Minh