Là một nhà báo vừa theo dõi các vấn đề vĩ mô, vừa chơi mạng xã hội, tôi thấy hiện tượng này khá thú vị và dường như ít khi diễn ra với một bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đương chức. Với những tút mang lại cảm xúc tiêu cực, tôi không rõ ông ấy có phiền không nhưng có điều chắc chắn, ông ấy không lạm dụng quyền lực của mình.
Trên thực tế, ông bộ trưởng nói câu trên với các tân sinh viên trong bối cảnh là lễ khai giảng năm học 2022-2023 của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông vào ngày 19/10.
Ông lý giải câu trên như thế này: “Bởi vì khi đào sâu xuống, đường kính phải nhỏ dần lại. Các em muốn sau này nghiên cứu sâu, bây giờ phải học rộng, phải đọc rộng. Chương trình đại học phải học nhiều môn cũng là có ý này. Hãy rộng trước rồi sâu sau!”.
Đặt câu đó trong bối cảnh đầy đủ như trên thì thấy, đó là lối nói ví von để dễ hiểu, dễ nhớ với các bạn sinh viên trẻ tuổi; khuyến khích họ học rộng, đọc rộng những năm đầu đại học để sau này tập trung chuyên sâu.
Một facebooker bênh Bộ trưởng: “Thật ra câu này là trong cuốn 'Nơi chỉ người đọc sách mới có thể chạm tới'. Nó là ý tưởng của giáo sư Saito Takashi ví việc đọc sách như đào giếng, muốn sâu cần rộng, đã rộng dần dần sẽ sâu”.
Xin mở ngoặc là tôi cũng thường xuyên khuyên con trai tôi, một sinh viên của trường Fulbright ở TP.HCM, như vậy. Tôi nói, con còn trẻ và đầy năng lượng, con hãy học thật nhiều, học đến kiệt quệ đi trong mấy năm đầu để sau này tập trung vào chuyên ngành con chọn.
Tức là câu trên là lời khuyên học hành chứ đâu phải chuyện đào giếng, dựng nhà!
Xin trích lại mấy câu chuyện mà ông ấy kể khi đối thoại với các bạn sinh viên ngay sau lễ khai giảng.
Dẫn chứng thành công của CEO Meta, công ty sở hữu Facebook, Mark Zukerberg, Bộ trưởng nói khởi nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu từ những thứ lớn lao, cần nhiều kinh nghiệm hay nguồn vốn lớn bởi quan trọng nhất của khởi nghiệp là ý tưởng mới lạ, độc đáo. “Những ý tưởng mới không xuất phát từ kinh nghiệm. Kinh nghiệm cho ta biết đúng sai nhưng cũng là gánh nặng trên vai, làm cho tư duy hạn hẹp lại. Thường có những ý tưởng mới, độc đáo thì lại không cần nhiều tiền phát triển".
“Con người thường chỉ cố gắng khi có áp lực. Khi chúng ta gặp một việc khó, làm việc khó thì chúng ta trở nên giỏi, chúng ta làm việc vĩ đại thì trở nên vĩ đại. Sinh viên ra trường tìm đến những nơi làm việc có áp lực lớn, thường áp lực thì tốt hơn, nhất là người trẻ có nhiều năng lượng”.
"Cá nhân tôi lúc đang làm gì thì chú tâm vào làm việc đó tốt thôi. Cũng không đặt mục tiêu quá lớn lao. Đi học thì tập trung vào học cho tốt, thậm chí là học tốt tất cả các môn. Khi ra trường vào làm việc tại viện nghiên cứu thì cũng làm tốt việc của mình, và đến khi ra làm doanh nghiệp cũng vậy. Đến lúc làm Bộ trưởng cũng vậy, chỉ chú tâm vào việc đang làm và làm tốt nhất".
Đó toàn là những lời khuyên, mà tôi nghĩ là chân thành, hữu ích và từ trái tim của ông ấy, cho thế hệ sinh viên trẻ tuổi.
Mời xem lại toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại lễ khai giảng năm học 2022-2023 của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tại đây.