Theo báo cáo của Sở TT&TT tỉnh Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm 2023, Ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực ở các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, báo chí, truyền thông, xuất bản.
Ở lĩnh vực báo chí, truyền thông, xuất bản, để thông tin, tuyên truyền sự kiện nổi bật của Đồng Tháp, Sở TT&TT đã thành lập nhóm "Zalo báo chí ngoài tỉnh tác nghiệp", nhằm chuyển tải các nội dung, hình ảnh có liên quan đến các phóng viên của các cơ quan báo chí ngoài tỉnh nắm bắt nhanh, đưa tin kịp thời trên các kênh truyền thông từ báo điện tử, kênh truyền hình cho đến mạng xã hội.
Sở cũng tham mưu xây dựng các kế hoạch truyền thông cụ thể cho mỗi sự kiện quan trọng với nội dung đa dạng, phong phú, hình thức đổi mới, dễ gần với mọi tầng lớp trong xã hội, chú trọng việc đăng tải trên mạng xã hội và Internet.
Tham mưu việc triển khai thuê dịch vụ công nghệ thông tin tổng hợp thông tin điện tử về Đồng Tháp, qua đó đã kịp thời phát hiện hàng trăm trường hợp đăng tải, chia sẻ thông tin không chính thống, thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội.
Sở đã phối hợp các đơn vị liên quan như Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phòng PA03, PA05 (Công an tỉnh), Phòng Văn hóa & Thông tin các huyện, thành phố xử lý, tháo gỡ thông tin, đăng tải, mời làm việc để giáo dục, nhắc nhở và tiến hành xử lý vi phạm hành chính.
“Sở TT&TT đã phối hợp xử lý vi phạm hình sự 1 trường hợp, góp phần bảo đảm an ninh, chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng”, đại diện Sở TT&TT Đồng Tháp cho biết.
Đồng thời Sở TT&TT Đồng Tháp cũng thực hiện tốt công tác truyền thông, định hướng dư luận kịp thời, đặc biệt là khi có những vấn đề “nóng”, phức tạp xảy ra trên địa bàn tỉnh; phản ánh, lan tỏa các nhân tố tích cực, gương người tốt, việc tốt, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả để tạo niềm tin, đồng thuận trong toàn xã hội. Tăng cường quản lý thông tin báo chí, theo dõi, nắm bắt dư luận trên các trang mạng xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý thông tin xấu, không đúng sự thật, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.
Sở cũng chỉ ra khó khăn, vướng mắc như, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh chưa chủ động cung cấp thông tin, hoặc chủ động phối hợp với Sở TT&TT khi xảy ra khủng hoảng thông tin liên quan đến lĩnh vực quản lý, dẫn đến việc chậm trong đề xuất đưa ra giải pháp xử lý.
Tăng cường đẩy mạnh chuyển đổi số
Đối với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến như: Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023; Kế hoạch Phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 và giai đoạn 2026 – 2030; Kế hoạch phát triển kinh tế số, xã hội số năm 2023; Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện…
Thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng Tháp đã hoàn thành việc kết nối, đồng bộ giữa các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Từ đầu tháng 3/2023 người dân khi làm thủ tục hành chính không cần phải xuất trình sổ hộ khẩu. Sở đang triển khai tích hợp phản ánh kiến nghị trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với Tổng đài 1022, tạo thuận tiện trong giải quyết phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân.
Đồng thời phối hợp ngành nông nghiệp triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp. Tham mưu cho tỉnh đề xuất với Thủ tướng Chính phủ thành lập Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện, Đồng Tháp đã đẩy mạnh chuyển đổi số ở tất cả các ngành, lĩnh vực, nhất là trong xây dựng chính quyền số để đóng vai trò dẫn dắt kinh tế số, xã hội số phát triển theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về chuyển đổi số và Đề án chuyển đổi số tỉnh đến năm 2030; tập trung chuyển đổi số trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục.
Các ngành, các cấp đẩy mạnh các hoạt động trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Sở cho rằng, nhận thức về chuyển đổi số của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước hình thành thói quen ứng dụng công nghệ số trong công việc, cuộc sống.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu về Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đến nay, đã tích hợp 855 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (chiếm 46,2%); 564 dịch vụ công trực tuyến một phần (chiếm 30,5%).
Trong các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, y tế… Đồng Tháp đều đã ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số
Như trong lĩnh vực y tế, 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh, huyện triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. 100% các đơn vị sự nghiệp, cơ sở khám, chữa bệnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giao tiếp với người dân và áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt hoặc thanh toán bằng thiết bị di động.
100% các bệnh viện tuyến tỉnh triển khai thực hiện việc thay phim bằng việc luân chuyển các ảnh chụp qua môi trường mạng. Các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện, thành phố triển khai ứng dụng bệnh án điện tử…
Đối với 6 tháng cuối năm 2023, Ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp sẽ tập trung nguồn lực phát triển các cơ sở dữ liệu dùng chung và cơ sở dữ liệu chuyên ngành hướng tới cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp cùng khai thác.
Khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, liên thông các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với cơ sở dữ liệu dân cư, bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, theo hướng mỗi dữ liệu chỉ do một ngành quản lý, cập nhật và chia sẻ dữ liệu cho các ngành, địa phương khác cùng sử dụng.
Tiếp tục tham mưu triển khai các giải pháp về chuyển đổi số của tỉnh, Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng kho dữ liệu của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, kết nối tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên Cổng dịch vụ công quốc gia; xây dựng kho dữ liệu dùng chung và nền tảng dữ liệu mở, từng bước chia sẻ dữ liệu mở cho các cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp triển khai thực hiện chuyển đổi số trong 3 lĩnh vực trọng tâm: Nông nghiệp, y tế và giáo dục…