Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, Tổng Liên đoàn luôn mong được sớm tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động. Tuy nhiên, phiên họp đầu tiên của Hội đồng tiền lương quốc gia đã thống nhất trong quý 4 năm nay mới họp xét lại và đưa ra phương án phù hợp để khuyến nghị Chính phủ.
Về lý do lùi trình dự thảo nghị định tiền lương tối thiểu vùng năm tới, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, dù tình hình kinh tế trong quý 2 và 3 có dấu hiệu khởi sắc, nhưng tình hình kinh tế - xã hội, an ninh toàn cầu vẫn biến động phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam.
Các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn do xuất khẩu giảm mạnh, đầu tư khu vực doanh nghiệp đình trệ. Các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử, thủy sản… đơn hàng giảm mạnh, chi phí đầu vào tăng cao, nên phải giảm giờ làm, việc làm, cho người lao động nghỉ việc luân phiên.
Lương tối thiểu được điều chỉnh tăng gần nhất từ ngày 1/7/2023. Lương tối thiểu vùng năm 2024 đang tiếp tục được các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia xem xét, đánh giá dựa trên thực tế tiền lương, đời sống người lao động và tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Hiện nay có một số doanh nghiệp giảm đơn hàng nên phải cắt giảm việc, lao động.
Đánh giá thận trọng
Ông Phạm Minh Huân - nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, ai cũng mong muốn điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng, nhưng với tình hình khó khăn hiện nay, doanh nghiệp đang thiếu đơn hàng nên nếu tăng lương liệu doanh nghiệp có chịu được không.
Theo ông Huân, trong điều kiện lao động thiếu việc làm thì phải cân nhắc chọn tăng lương hay chọn việc làm, hay chọn cả hai thì phải tính. Nếu nâng cao quá, doanh nghiệp đang khó khăn thì gánh nặng đè lên vai doanh nghiệp.
“Lương tối thiểu vùng thì phải tăng, nhưng nên cân nhắc tăng mức nào và thời điểm nào cho phù hợp. Do thị trường lao động việc làm hiện nay khó khăn thì cần phải ưu tiên tạo việc làm trước”, ông Huân nói.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH)cho rằng, do nền kinh tế phục hồi chậm nên nếu tăng lương tối thiểu ngay thì số doanh nghiệp rời thị trường rất lớn.
Hiện nay đa phần doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức tối thiểu nên không nhất thiết năm nào cũng tăng lương. Vấn đề gốc là tăng năng suất lao động, hiệu quả làm việc. Đây là cách gián tiếp tăng thu nhập cho người lao động.