Cần Thơ tập trung phát triển y tế thông minh
Ngày 10/8, tại Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo "Chuyển đổi số ngành y tế thành phố Cần Thơ, lần 1 năm 2023". Hội thảo nhằm xác định các mục tiêu ưu tiên trong chuyển đổi số ngành y tế thành phố giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Theo ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, từ tháng 3/2023, 106 cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã triển khai thí điểm phần mềm Hồ sơ sức khỏe. Ở lĩnh vực khám chữa bệnh, ngành y tế Cần Thơ đã thực hiện kết nối liên thông dữ liệu thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. 100% cơ sở y tế có giường bệnh đã triển khai ít nhất một phương án thanh toán không dùng tiền mặt. Một số đơn vị đã thực hiện đặt lịch hẹn khám, chữa bệnh online qua điện thoại, website...
Trong thời gian qua ngành y tế Cần Thơ cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe, quản trị y tế. Hiện tổng biên chế ngành y tế Cần Thơ có khoảng 5.900 người. Số cán bộ, công chức, viên chức khoảng 1.400. Trong đó, cán bộ có chứng chỉ tin học khoảng 1.065 người, cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin 7 người.
Ông Hoàng Quốc Cường cho biết, từ năm 2017 thành phố đã triển khai mô hình bác sĩ gia đình và xây dựng được các hồ sơ sức khỏe điện tử gắn liền với người dân Thành phố. Đây là lý do hồ sơ sức khỏe điện tử ở thành phố Cần Thơ được làm rất nhanh, trong vòng ba tháng đã quản lý được hơn 1,2 triệu người.
Theo báo cáo, tổng số nhân khẩu đã có hồ sơ y tế điện tử đạt hơn 99%, tổng số lượt khám chữa bệnh được liên thông từ năm 2017 đến nay là hơn 7 triệu lượt. Số tài khoản của hồ sơ điện tử hơn 1.000.
Về chiến lược chuyển đổi số của ngành y tế trong thời gian tới, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ thông tin, thành phố sẽ tập trung vào các vấn đề như: Hoàn thiện bộ dữ liệu y tế dùng chung trên địa bàn thành phố; xây dựng hệ thống quản lý thông minh chuyên ngành y có khả năng chia sẻ và kết nối các tuyến; xây dựng và sử dụng hiệu quả hệ sinh thái ứng dụng các tiện ích y tế thông minh, hướng đến sự hài lòng của người sử dụng.
Về khó khăn trong việc thực hiện chuyển đổi số ngành y tế tại Cần Thơ thời gian qua, theo ông Hoàng Quốc Cường là do nhận thức của nhiều đơn vị, cá nhân chưa theo kịp quá trình chuyển đổi số, nhất là vai trò của người đứng đầu; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đảm bảo; hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu, phần mềm còn rời rạc, chưa kết nối với nhau, kinh phí chi cho chuyển đổi số quá lớn nhưng chưa được tính đúng tính đủ vào giá dịch vụ y tế; vấn đề an toàn, an ninh mạng; thiếu cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin tại các tuyến cơ sở.
Người dân, người bệnh được hưởng lợi từ chuyển đổi số
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu của thế giới. Thời gian qua Đảng, Chính phủ đã có chủ trương, chính sách tạo điều kiện, thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin, chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ.
Nhìn chung, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cộng đồng đã có bước phát triển. Người dân, người bệnh được hưởng lợi từ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác y tế. Người bệnh chủ động được lịch khám cũng như có thể đặt lịch bác sỹ khám. Việc lưu trữ hồ sơ điện tử tránh thất lạc cũng như dễ tra cứu lịch sử điều trị.
Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá, thành phố Cần Thơ là địa phương phát động chuyển đổi số, có kế hoạch chuyển đổi số y tế và Đề án xây dựng nền y tế thông minh được triển khai thực hiện sớm. Với những kết quả đạt được, thành phố đã bước đầu thể hiện vai trò dẫn đầu, tạo sự lan tỏa về chuyển đổi số y tế tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mang lại lợi ích tích cực cho người dân, nâng cao kết quả khám chữa bệnh, góp phần xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam.
“Chuyển đổi số không phải là việc riêng của đơn vị chuyên môn, đơn vị quản lý mà là công việc của tất cả các đơn vị, cá nhân trong ngành. Bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền và sự hỗ trợ của các ban ngành, ngành y tế thành phố Cần Thơ tiếp tục phát huy sự chủ động, sáng tạo, bài bản, khoa học, ưu tiên nguồn lực cho công tác này”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.