Theo đánh giá, trong thời gian thử nhiệm thu phí thì tình hình giao thông trên tuyến được đảm bảo, các xe tuân thủ lấy, trả thẻ IC khi vào, ra cao tốc. Hệ thống thiết bị thu phí hoạt động ổn định, đáp ứng tốt các yêu cầu quan sát, lưu trữ.
Cụ thể, trong 6 ngày thử nghiệm thu phí không trừ tiền trong thẻ., tuyến cao tốc này phục vụ hơn 186.700 lượt xe lưu thông, trung bình khoảng 31.100 lượt/ngày.
Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, sau thời gian vận hành thu phí thử nghiệm, đơn vị quản lý vận hành và các bên liên quan sẽ tổ chức họp tổng kết, đánh giá và kiến nghị với các cơ quan chức năng của địa phương về cơ chế phối hợp để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trước khi đưa dự án vào thu phí chính thức.
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51km nằm toàn bộ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối cao tốc TP.HCM -Trung Lương), điểm cuối tại nút giao An Thái Trung. Công trình có tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng; được đầu tư bằng hình thức PPP do Tập đoàn Đèo Cả thi công xây dựng.
Giai đoạn 1 đã hoàn thành đầu tư với quy mô 4 làn xe theo thiết kế của Bộ GTVT và đúng hợp đồng BOT đã ký. Tuy nhiên, do dự án thiết kế được lập cách đây 13 năm nên không còn phù hợp khiến tuyến cao tốc này có nguy cơ quá tải, ảnh hưởng đến lưu thông trong thời gian tới.
Do đó, Công ty kiến nghị đầu tư giai đoạn hai mở rộng tuyến, kết nối các tuyến cao tốc trong khu vực như: Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, An Hữu - Cao Lãnh.