LỜI TÒA SOẠN

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), báo VietNamNet trân trọng gửi tới quý độc giả những bài viết, câu chuyện, ký ức, kỷ niệm… khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” và hành trình 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng Quân đội anh hùng.

Những ngày giữa tháng 12, khắp phố phường Thủ đô ngập trong sắc đỏ với pano, biểu ngữ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 300 cựu chiến binh tiêu biểu toàn quốc tề tựu về Hà Nội. Trong đó có nhiều Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, những nhân chứng sống của thời kỳ kháng chiến cách mạng.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Tám ngoài 70 tuổi, người con của miền Trung trong bộ quân phục sờn màu. Bà cùng đồng đội có các cuộc gặp ấm áp, thân tình với Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và giao lưu với các cựu chiến binh cả nước.

Mang trên người đủ loại bệnh tật do di chứng từ những vết thương chiến tranh, nhưng lúc nào bà cũng toát lên năng lượng đặc biệt với giọng nói trầm vang đặc sệt miền Trung.

W-IMG_1063.jpg
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Tám.

Bà Nguyễn Thị Tám sinh năm 1950 quê ở Điện Bàn, Quảng Nam, gia đình truyền thống cách mạng. Năm 1964 khi mới 14 tuổi, Nguyễn Thị Tám thấy thanh niên quê hương nô nức đi tòng quân mà lòng khao khát nhưng chưa đủ tuổi.

Tuổi thơ bà chứng kiến cảnh ngày giặc đi lùng sục chiến sĩ cách mạng, đêm bắn pháo kích vào làng mạc. Quyết tâm tham gia cách mạng, bà xin đi du kích, mẹ bà lo lắng vì con tuổi nhỏ lỡ làm hỏng việc hay bị địch bắt.

Sau chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, thực hiện Chỉ thị của Đặc khu ủy Quảng Đà, các cơ sở cách mạng được dần hình thành trong nội đô. Khu vực Thanh Khê trở thành một vùng căn cứ lõm cách mạng ngay cửa ngõ vào Đà Nẵng.

Bà Tám và các chiến sĩ biệt động được phân công ra Đà Nẵng tham gia vào tổ biệt động Thanh Khê trong vai người đi ở đợ với nhiệm vụ gây dựng phong trào, vận chuyển tài liệu, vũ khí cho cách mạng. Bà Tám trú ẩn tại nhà Mẹ Nhu (tên thật của mẹ là Lê Thị Dãnh) và một số chiến sĩ ở nhà Mẹ Hiền (tên thật của mẹ là Lê Thị Hiền) trong khu phố Thanh Khê.

Trận đánh không cân sức của 7 chiến sĩ biệt động

Tổ biệt động từng đánh nhiều trận khiến quân địch khiếp sợ. Tổ nhà Mẹ Nhu có bà Tám, Lữ Hùng (quận đội phó quận đội Nhì) cùng 2 đồng đội Nguyễn Văn Huề, Trần Thanh Trung.

“Mẹ Nhu là người tuyệt vời, coi chúng tôi như con ruột”, bà Tám nhớ lại.

Bà xúc động kể: “Bây có đói bụng không? Ăn cơm có no không tau bới thêm? - Mẹ chăm sóc chúng tôi rất tình cảm”. Nhà Mẹ có 3 người con nhưng đã lập gia đình hết nên hàng ngày đi mua đồ ăn cho tổ biệt động mẹ phải mua nhiều chỗ khác nhau để tránh bị lộ.

Căn hầm của tổ biệt động ở ngoài vườn rậm rạp chỉ vừa một người lên xuống, cơn mưa xối xả làm ngập. Mẹ thấy mà thương nên đề nghị chuyển hầm vào trong nhà.

3 Copy 1.jpg
Tượng đài Mẹ Nhu trên đường Điện Biên Phủ, cửa ngõ dẫn vào trung tâm của TP Đà Nẵng. Ảnh: UBND quận Thanh Khê

Đêm 23/12/1968, đội biệt động đánh trận tập kích vào đồn Bảo An của địch, cầu Phú Lộc, tuy không thu được vũ khí nhưng vụ tập kích cũng gây tiếng nổ làm rung chuyển một vùng. Sau trận tập kích, các chiến sĩ biệt động về trú ẩn lại tại nhà Mẹ Nhu và Mẹ Hiền.

Hai ngày sau, Lữ Hùng đầu hàng địch và chỉ điểm các cơ sở trú ẩn. Sáng 26/12/1968, rất đông quân địch bao vây nhà Mẹ Nhu.

Bị địch bao vây bất ngờ, các chiến sĩ biệt động nhanh chóng xuống hầm và sẵn sàng chiến đấu. Lúc này anh Phạm Phú Long, con trai của Mẹ Nhu bị địch bắt tại nhà và tra hỏi dã man, nhưng anh quyết không khai.

Không khai thác được gì, chúng bắt anh Long đi và chuyển qua tra khảo Mẹ Nhu, nhưng Mẹ vẫn phản ứng quyết liệt và không khai. “Mụ già ni cứng đầu hả, hầm ở đâu?”, bọn địch đánh và hăm dọa Mẹ.

Nữ anh hùng bùi ngùi nhớ lại khoảnh khắc năm xưa: “Bọn chúng đánh Mẹ mà ngồi trong hầm chúng tôi nghe rõ. Mẹ Nhu lớn tiếng nói lại ‘tau ở giữa thành phố này mà nuôi cộng sản thì tụi bay là đồ ăn hại’. Bọn địch bị chọc giận liền nổ súng bắn, Mẹ Nhu hy sinh ngoan cường”.

Lúc này, trong hầm có bà Tám, anh Huề, anh Trung đang ẩn trú. Ba chiến sĩ đề ra hai phương án, một là tung lựu đạn cùng chết với giặc hoặc vùng lên chiến đấu.

“Tôi được cho tấm ảnh chân dung Bác Hồ đặt trong hầm để nuôi chí hướng hoạt động cách mạng. Trước chân dung Bác, chúng tôi thề quyết chiến đấu đến cùng, không thể hy sinh vô ích, quyết tâm trả thù cho Mẹ Nhu”, bà Tám kể.

Ba chiến sĩ sau đó bật nắp hầm, tung lựu đạn tiêu diệt một số tên địch và thoát ra khỏi hầm, vừa đánh địch vừa di chuyển về phía nhà Mẹ Hiền cách nhà Mẹ Nhu khoảng 400m để phối hợp cùng đồng đội chiến đấu.

Tại nhà Mẹ Hiền cũng đang diễn ra cuộc chống trả quyết liệt. Kho chứa muối của Mẹ Hiền trở thành nơi quyết chiến của 4 chiến sĩ biệt động.

Trên đường chạy sang nhà Mẹ Hiền, anh Huề bị thương nặng, chiến sĩ Tám vừa dìu vừa động viên anh gắng sức. “Tau không đi được nữa, thôi mi dùng cây súng của tau, đưa cho tau quả lựu đạn để tau ở đây chiến đấu, tau không đi được nữa…”, anh Huề nói với Tám.

Nhưng bà Tám cương quyết từ chối “không thể bỏ đồng đội lại được”, “anh Huề liền quát lại tôi ‘tau nói mi có nghe không’”, rơm rớm nước mắt bà Tám đành đưa lại quả lựu đạn cho người đồng đội. Khi toán lính Mỹ nhào đến, anh Huề tung lựu đạn tiêu diệt thêm một số tên và hy sinh.

Sau thời gian dài chiến đấu, Nguyễn Thị Tám cùng Trần Thành Trung và 2 chiến sĩ ở nhà Mẹ Hiền đã vượt qua vòng vây an toàn, trở về vùng căn cứ.

Chỉ có 7 chiến sĩ cùng với sự yểm trợ của nhân dân Thanh Khê đã tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên địch, tự mình phá vòng vây trở về căn cứ.

Ngày nay nhân dân Đà Nẵng vẫn trân trọng, tưởng nhớ sự chiến đấu anh dũng của 7 chiến sĩ biệt động trong lòng TP. Năm 1985, nhân kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng TP Đà Nẵng, Tượng đài Mẹ Nhu được xây dựng ở giữa con đường Điện Biên Phủ, cửa ngõ dẫn vào trung tâm TP.

W-IMG_1053.jpg
Cựu chiến binh Nguyễn Thị Tám cùng cựu chiến binh cả nước trong cuộc gặp với Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng.

Năm 1971-1975, Nguyễn Thị Tám được ra Bắc học tập. Tại đây, bà được gặp các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đi dự nhiều hội nghị thanh niên, phụ nữ ở Chile, Cuba, Liên Xô, Trung Quốc...

Cô gái Điện Bàn vẫn giữ nét chân chất, thật thà khi ra nước ngoài. Nước bạn hỏi bà muốn gì, họ sẽ đáp ứng. Bà Tám nói xin súng đạn về để đánh Mỹ mà không cần bất cứ điều gì cho riêng mình.

Sau này về lại quê hương bà Tám có nhiều năm công tác tại Sở Xây dựng. Do di chứng chiến tranh nên bà được cho nghỉ hưu sớm.

Có lần đoàn cựu binh Mỹ thăm Đà Nẵng, trong đó có người lính trước ở Hạm đội 7 đóng tại Đà Nẵng, biết về trận đánh Thanh Khê. Ông ta gặp bà Tám để lấy tư liệu viết sách dành cho thanh niên Mỹ. Vị cựu binh nêu ra hàng loạt câu hỏi và đều được bà Tám trả lời thỏa đáng.

“Tại sao 14 tuổi chị lại tham gia cách mạng, có ai bắt buộc chị đi không?”, cựu binh Mỹ hỏi bà Tám. Bà Tám liền cương quyết đáp: “Không ai bắt buộc hết, chỉ vì đất nước tôi. Các anh bắn pháo chết nhân dân chúng tôi, trong đó có cả cha tôi nên tôi căm thù, chứ không ai bắt buộc”.

Một câu hỏi bất ngờ khác cũng được cựu binh này đặt ra “trong căn hầm chặt hẹp mà 3 thanh niên 2 nam, 1 nữ lại ở chung liệu có vấn đề gì xảy ra?”. Bà Tám đáp rằng: “Chúng tôi là chiến sĩ cách mạng, luôn một lòng chiến đấu, giải phóng cho quê hương, chúng tôi như anh em ruột thịt trong nhà, không có chuyện gì hết”.

>> Bài viết có tham khảo thông tin từ Bảo tàng Đà Nẵng.