Velasboost, thương hiệu phụ kiện dành cho smartphone và máy tính “Make in Vietnam”, được biết đến rộng rãi sau khi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 5 và nhận đề nghị đầu tư 6 tỷ đồng cho 50% cổ phần của Chủ tịch Sunhouse Nguyễn Xuân Phú.
Tuy nhiên, trước khi Velasboost lên sóng Shark Tank, Lê Hải Vũ – CEO của startup này vốn đã được nhiều người trong cộng đồng yêu thích đồ công nghệ biết đến với biệt danh “Lỗ Vũ”. Chia sẻ trong series podcast Chapter0 của Rising Vietnam, anh Vũ cho biết việc đặt ra một cái tên khiến nhiều người quan tâm đã là một thành công.
“Tôi xuất phát từ bán lẻ và đã kinh doanh đồ công nghệ từ lâu. Velasboost được sinh ra trong quá trình đó. Sau khi được khách hàng gợi ý, tôi lấy tên là Lỗ Vũ và bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân là một người yêu thích đồ công nghệ, vui vẻ, dân dã, uy tín, bán hàng với mức giá hợp lý, hay nói vui là bán lỗ”, CEO của Velasboost kể lại.
Tận dụng xu hướng livestream
Việc xây dựng thương hiệu cá nhân không nằm trong dự định ban đầu của Lê Hải Vũ. Nhưng sau khi được khách hàng quen dần và tần suất giao lưu nhiều hơn, cảm giác ái ngại dần mất đi. Đây cũng là tiền đề cho hoạt động livestream – kênh bán hàng đang tăng trưởng mạnh mẽ thời gian qua.
“Đến giai đoạn livestream bắt đầu phát triển, vào một buổi tối, trong cơn bĩ cực khi còn rất nhiều đồ công nghệ trong nhà, tôi lên fanpage trên Facebook đăng thông báo sẽ livestream bán thanh lý. Ngay lần đầu tiên livestream đã có khoảng 700 mắt xem và khách hàng mua rất nhiều, tôi cảm thấy mình “có duyên”. Sau lần đó, tôi quyết định xuất hiện nhiều hơn. Lúc đấy chỉ suy nghĩ rằng kiếm được tiền thì cứ xuất hiện đã. Sau khi quen dần, tôi nhận thấy việc xây dựng thương hiệu cá nhân có lợi, nên bắt đầu tập trung", anh Vũ hồi tưởng lại.
Trong bối cảnh TikTok đang phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, không chỉ riêng Việt Nam, Velasboost nhận thấy đây là một cơ hội. Anh Vũ cho biết livestream trên TikTok là hình thức bán hàng có hiệu quả chuyển đổi cực cao, nên không có lý do gì để bỏ qua.
Để đạt được hiệu quả, anh chỉ ra rằng người livestream phải trang bị rất nhiều kỹ năng. Họ cần biết cách nói chuyện, tương tác, giữ bình tĩnh, kêu gọi được khách mua hàng, am hiểu về sản phẩm để tư vấn, nắm rõ về pháp lý của nền tảng để không vi phạm chính sách.
“Về doanh số trên livestream, những buổi cao nhất rơi vào khoảng gần 500 triệu đồng, những buổi bình thường thì 100 – 200 triệu đồng . Hiện tôi cũng là nhà bán hàng thuộc top trong ngành hàng điện tử, đặc biệt đối với mặt hàng phụ kiện”, CEO của Velasboost tiết lộ.
Mặc dù đang thu về hiệu quả cao nhờ tự mình livestream bán hàng, anh Vũ ý thức được rằng phải đào tạo đội ngũ kế cận.
“Điều đó là đương nhiên, không thể nào đi bán sức mình mãi. Như vậy là đang làm thuê cho chính mình. Phải xây dựng được một bộ máy bao gồm những nhân sự tốt để các bạn thay mình, mỗi người một việc. Việc sếp ngồi bán hàng thế này cũng chỉ duy trì được một thời gian”, anh bày tỏ.
Kinh nghiệm xây kênh TikTok
Ngay từ đầu, kế hoạch của Velasboost là tập trung phát triển các kênh bán hàng online, chia làm 2 loại. Đầu tiên là những kênh bền vững, tức là đã có mặt trên thị trường từ lâu với tệp khách hàng ổn định, như Facebook và Shopee. Thứ hai là kênh đang tăng trưởng nóng cần tập trung xây dựng nhanh, điển hình là TikTok.
“Ban đầu chúng tôi chưa phát triển kênh TikTok bởi nghĩ rằng cũng như Facebook đời đầu, khách hàng trên đó còn trẻ, chưa rõ có bền vững hay không. Sau này khi những người ở độ tuổi lớn hơn sử dụng TikTok, chúng tôi mới bắt đầu làm. Ban đầu khi chúng tôi mới vào, kênh TikTok chỉ chiếm 5-10%, nhưng bây giờ đã chiếm tới 40% doanh số của chúng tôi”, CEO Velasboost cho biết.
Chia sẻ kinh nghiệm xây kênh TikTok, anh Vũ nhấn mạnh, trước hết phải xác định tệp khách hàng của mình là ai, bao nhiêu tuổi, sở thích, mong muốn là gì để xây dựng nội dung thống nhất từ đầu đến cuối. Trong quá trình làm nội dung phải cố gắng sáng tạo, thay đổi và phải giữ được nhịp tương tác với khách hàng.
“Livestream là nhằm giữ nhịp tương tác, chưa chắc đã là để bán hàng, và những người xem phải có lợi ích. Có những người xem để giải trí, có người xem vì được nhận quà, có người xem vì muốn nghe được thông tin gì đó. Do vậy, mình cũng phải đáp ứng mới giữ được sợi dây liên kết giữa hai bên”, anh Vũ cho hay.
(Theo CafeF/ Nhịp sống thị trường)