Ung thư có nhiều yếu tố nguy cơ. Một số đặc điểm như giới tính, tuổi tác và tiền sử gia đình không thể kiểm soát được. Nhưng những vấn đề khác như chế độ ăn uống có thể thay đổi.
Tiến sĩ Brian Slomovitz, đồng Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Ung thư tại Trung tâm Y tế Mount Sinai ở Florida (Mỹ), lưu ý dinh dưỡng hợp lý đã được chứng minh làm giảm nguy cơ ung thư. “Chúng ta biết rằng tỷ lệ béo phì rất cao và ngày càng tăng, đó là yếu tố nguy cơ gây ra nhiều bệnh ung thư. Chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh sẽ giảm các bệnh ung thư này”, Tiến sĩ Slomovitz nói với Fox News.
Một chế độ ăn uống lành mạnh cũng hạn chế mệt mỏi và thúc đẩy tăng cường hoạt động thể chất, điều này phòng ngừa ung thư.
Chuyên gia dinh dưỡng ung thư Nichole Andrews đã chia sẻ những khuyến nghị của cô về chế độ ăn giảm nguy cơ mắc ung thư. Theo đó, bạn nên coi thực phẩm có nguồn gốc thực vật là trọng tâm của bữa ăn.
Điều này đồng nghĩa áp dụng một chế độ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, hạt. Những thực phẩm trên chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa thiết yếu có liên quan đến giảm nguy cơ mắc các loại ung thư khác nhau.
Ngoài ra, chuyên gia Andrews lưu ý ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc thực vật cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe tổng thể. Cô nói: “Thực hiện những thay đổi chế độ ăn uống này có thể có tác động tích cực đến sức khỏe lâu dài cho dù bạn đang tìm cách ngăn ngừa ung thư hay giảm nguy cơ tái phát”.
Thực phẩm thực vật chứa đủ chất dinh dưỡng bảo vệ sức khỏe, bao gồm vitamin, khoáng chất, chất xơ, hóa chất thực vật chống lại stress oxy hóa và viêm nhiễm - gốc rễ của ung thư và chất chống oxy hóa (ngăn ngừa tổn thương có hại cho các mô khỏe mạnh).
Tiến sĩ Amber Orman, bác sĩ ung thư bức xạ và chuyên gia y học lối sống ở Florida (Mỹ), tin rằng có thể ngăn ngừa tới 40% tất cả các loại ung thư bằng chế độ ăn chủ yếu là thực vật kết hợp với lối sống lành mạnh (chăm vận động, không hút thuốc, uống rượu, duy trì trọng lượng khỏe mạnh).
“Một số loại thực phẩm chống ung thư mạnh nhất bao gồm rau lá xanh đậm, rau họ cải, nấm, các loại đậu bao gồm đậu nành, quả mọng (dâu, nho), táo chưa gọt vỏ, gừng, tỏi, nghệ, hạt lanh, trà xanh, chanh”, Tiến sĩ Orman cho biết.
Dù vậy, chuyên gia Andrews chỉ ra bạn không cần phải kiêng thịt hoặc ăn chay để giảm nguy cơ ung thư.
Cô nói: “Chế độ ăn dựa trên thực vật bao gồm tất cả các loại thực phẩm ngoại trừ thịt chế biến sẵn và đồ uống có cồn. 2/3 số bữa ăn bao gồm rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, hạt. Các bữa ăn còn lại có thể thêm sữa, trứng, protein động vật nạc, chất béo lành mạnh và lượng vừa phải món tráng miệng”.
Điều quan trọng là tập trung vào việc bổ sung nhiều thực phẩm thực vật hơn thay vì lo lắng cần loại bỏ thứ gì.
Thêm vào đó, chuyên gia Andrews khuyên bạn lựa chọn các loạt thịt chưa qua chế biến với nguồn protein nạc như thịt gà, cá, hải sản có chứa hàm lượng chất béo bão hòa thấp hơn, giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.