Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng cho biết, từ năm 2018 cho đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông có vị trí xếp hạng và điểm số cải cách hành chính luôn được cải thiện đều qua từng năm, từ vị trí 16 lên thứ 5.
Theo công bố của Bộ Nội vụ về Chỉ số cải cách hành chính năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng thứ 5/17 bộ, cơ quan ngang bộ (tăng 4 bậc so với năm 2021), với tổng điểm 86,93/100 (tăng 0,18 điểm so với năm 2021).
Đạt được những kết quả tích cực, toàn diện
Trao đổi với VietNamNet, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng cho biết, từ năm 2018 cho đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông có vị trí xếp hạng và điểm số luôn được cải thiện đều qua từng năm. Cụ thể từ vị trí 16 ở năm 2018 lên vị trí thứ 5 ở năm 2022.
Đáng chú ý trong Chỉ số CCHC năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông có một số lĩnh vực có chỉ số thành phần và xếp thứ hạng cao như: Cải cách thủ tục hành chính đạt 95.27%, xếp thứ 3/17; xây dựng và Phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đạt 94.2% và Cải cách chế độ công vụ đạt 92.69%, cùng xếp vị trí thứ nhất trên tổng số 17 bộ, cơ quan được đánh giá, xếp hạng.
Công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn được Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trực tiếp chỉ đạo. Tham mưu, giúp việc cho Bộ trưởng trong công tác CCHC có Ban Chỉ đạo CCHC của Bộ, do một Thứ trưởng làm Trưởng Ban.
Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC được bộ quan tâm từ khâu xây dựng, ban hành kế hoạch hàng năm đến việc tổ chức triển khai thực hiện, với nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả.
Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Bộ Nội vụ cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng là một trong số ít các Bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng và triển khai thực hiện Bộ chỉ số theo dõi đánh giá kết quả CCHC của các cơ quan hành chính thuộc Bộ hàng năm.
Theo đánh giá của ông Phạm Minh Hùng, năm 2022 và 10 tháng năm 2023, công tác cải cách hành chính của Bộ Thông tin và Truyền thông đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các nội dung.
Cụ thể, thể chế về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Chuyển đổi số từng bước được hoàn thiện. Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 đã thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc chuyển đổi số.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch triển khai Luật Giao dịch điện tử năm 2023. Bộ cũng đang hoàn thiện trình Chính phủ ban hành các nghị định có liên quan đến xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Bên cạnh đó, việc rà soát, đánh giá, công bố, công khai TTHC luôn được quan tâm và triển khai thực hiện theo đúng các quy định và có nhiều kết quả tích cực.
Đáng chú ý là tổ chức bộ máy của Bộ Thông tin và Truyền thông được sắp xếp, kiện toàn đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông giải thể Vụ Quản lý doanh nghiệp, sáp nhập Vụ Thi đua - Khen thưởng vào Vụ Tổ chức cán bộ, tổ chức lại Vụ Công nghệ thông tin thành Vụ Công nghiệp công nghệ thông tin, thành lập Vụ Kinh tế số và Xã hội số, đổi tên Cục Tin học hóa thành Cục Chuyển đổi số quốc gia.
Cùng với đó, Bộ đã giải thể Trung tâm Phát triển thông tin và truyền thông cơ sở thuộc Cục Thông tin cơ sở do thời gian vừa qua hoạt động không hiệu quả.
Ngoài ra, Bộ đã ban hành và triển khai có hiệu quả kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2022, đã cử hàng trăm lượt cán bộ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cũng như kỹ năng quản lý và trình độ lý luận chính trị.
Công tác cán bộ (bổ nhiệm, quy hoạch, tuyển dụng, điều động, luân chuyển,...) được Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ và đúng quy định của pháp luật, quy định của Đảng và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương.
Cơ sở dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có sự phát triển, dung lượng dữ liệu ngày càng nhiều, đa dạng để phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số, điều hành bằng dữ liệu, cần thiết phải phát triển nền tảng dữ liệu thống nhất nhằm chuẩn hóa, chia sẻ dữ liệu thống nhất trong Bộ.
Tiếp tục đổi mới tư duy, sáng tạo
Để công tác CCHC của Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục được cải thiện và xếp thứ hạng cao trong năm 2023, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Bộ Nội vụ đề nghị Bộ tiếp tục duy trì các biện pháp để phát huy những thành tựu đã đạt được.
Trong đó, Bộ cần tiếp tục đổi mới tư duy, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành để giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn đang đặt ra nhằm thực hiện có hiệu quả, bền vững kế hoạch cải cách hành chính hằng năm và giai đoạn của Bộ, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, quan tâm, đầu tư đến xây dựng và hoàn thiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ và của ngành, đảm bảo thể chế được ban hành và trình ban hành đúng tiến độ và chất lượng.
Đồng thời triển khai các quy định mới của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với nội dung và hình thức phù hợp với từng đối tượng cụ thể theo thẩm quyền được giao. Bố trí đủ nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài.
Cùng với đó là xây dựng, triển khai các nền tảng chuyển đổi số hoạt động của Bộ; xây dựng, hạ tầng điện toán đám mây riêng của Bộ thống nhất, linh hoạt, sẵn sàng kết nối với đám mây Chính phủ; xây dựng, phát triển Cổng dữ liệu của Bộ trên cơ sở là thành phần của Cổng thông tin điện tử của Bộ, sẵn sàng tích hợp với Cổng dữ liệu quốc gia.
Bộ Thông tin và Truyền thông đóng vai trò là cơ quan chủ trì nội dung “Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số” của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia.
Công bố của Bộ Nội vụ về Chỉ số cải cách hành chính năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng thứ 05/17 bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng điểm đạt 86,93/100.
Bộ Thông tin và Truyền thông có vai trò, trách nhiệm trong công cuộc cải cách hành chính của đất nước, thúc đẩy chuyển đổi số của các bộ, ngành, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số…