Nội dung sách được cấu trúc thành nhiều phần nhỏ, chia sẻ về những sự thật buồn liên quan đến việc truyền thông đứt gãy tạo nên khoảng cách trong gia đình khiến một số bạn trẻ mất phương hướng; có nội dung dành cho cha mẹ, một số dành cho người làm con.
Và trên hết, đó là những gợi ý để mọi thành viên có thể thực tập cùng nhau nhằm biến không khí căng thẳng trong gia đình thành hòa thuận, ấm áp.
“Quyển sách như một món quà nhắc nhở cho chúng ta biết bản thân mình đã, đang và được thụ hưởng sự tuyệt vời từ tình thương không bờ bến của cha mẹ. Có biết trân trọng hay không là tùy thuộc ở chính mỗi cá nhân”, bà Dương Ngọc Hân, đại diện Simple Books chia sẻ.
Theo bà Hân, dựa trên tinh thần hiểu và thương, cùng lời nhắc nhở về giá trị sâu sắc của tình cha mẹ, Hiếu - Thở cho ba, mỉm cười cho má đưa ra những thực tế đang tồn tại trong xã hội hiện đại này theo cách trung dung nhất và trước hiện thực đó, mỗi người sẽ tự hỏi mình có phải “đứa con khó dạy” không? Thậm chí, còn là vấn đề quá khứ của cha mẹ, nhưng lại có liên hệ trực tiếp đến chính chúng ta ở hiện tại này. Từ đó, mỗi người con có thể suy ngẫm về cách cùng cha mẹ hóa giải nỗi khổ đau cũ, “vượt thắng giận hờn”.
Một giá trị sâu sắc xuyên suốt tác phẩm đó là sự tương tác giữa cha mẹ và con cái. Không chỉ nhắc nhở những người làm con hiểu đúng, hiểu sâu và thực hành việc tiếp nối một cách đẹp đẽ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn nói về việc người làm cha, làm mẹ nên thay đổi góc nhìn ra sao cho gia đình yên ấm, thuận hòa.
Nếu phụ huynh không hiểu xu thế phát triển của thế hệ các con thì làm sao “thiết lập truyền thông trong gia đình” được? Và nếu không có truyền thông lành mạnh thì làm sao cha mẹ cho con được “tình thương mang tên tuệ giác”? Cha mẹ cũng cần thực tập nhiều để trở thành người bạn đồng hành, cùng con có được “hiện pháp lạc trú”, dạy cách “gạn lọc nhiễm ô” trong thói quen hằng ngày nhằm tạo ra giá trị tích cực trong “phẩm vật trao truyền” mà con sẽ truyền lại cho thế hệ con cháu.
Bằng những ví dụ gần gũi trong mối quan hệ gia đình, người đọc có thể hiểu việc “học vô thường để có chánh kiến”, có cái nhìn đúng đắn nhằm tiếp cận dễ dàng và thực hành việc “đưa vô ngã vào đời”.
Hai khái niệm “vô thường” và “vô ngã” không còn xa lạ, cũng không còn được nhìn theo góc độ tôn giáo mà là những nội dung bất kỳ ai cũng có thể lĩnh hội để thay đổi dần cách nhìn, cách sống của mình, cùng người thân có được “khoảnh khắc an lạc cùng nhau”.
Hiếu cũng giúp độc giả cởi mở hơn về khái niệm “gốc rễ tâm linh”. Đó không phải hoàn toàn là về vấn đề tín ngưỡng mà là nền tảng đạo đức, là đạo lý làm người.
Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, hiểu và “cắm rễ vào truyền thống tâm linh” trên nền tảng “giềng mối đạo đức” là con đường đúng để mỗi người tìm thấy được niềm an lạc, hạnh phúc. Có những sự thật đau lòng đã và đang tồn tại ở rất nhiều gia đình trong xã hội hiện đại này, tạo nên khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Mỗi gia đình có một vấn đề riêng, nhưng điểm chung nhất là không truyền thông được với nhau nên cấu trúc gia đình mỗi ngày một lỏng lẻo.
Độc giả khi đọc xong Hiếu - Thở cho ba, mỉm cười cho má sẽ có thêm cơ sở để cởi mở hơn từ góc nhìn, điều chỉnh lời nói thành ái ngữ, điều chỉnh hành động từ chưa lành mạnh sang dễ thương…, giúp người trẻ tin vào hạnh phúc gia đình, không trở thành “những con ma đói tình thương” lang thang tìm một chỗ dựa.