CLIP ÔNG NGUYỄN VĂN KHẢ CHIA SẺ:

Nhiệm vụ đặc biệt của người lính

Ông Nguyễn Văn Khả (95 tuổi, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) từng là chiến sĩ pháo binh thuộc Trung đoàn 176.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương), ông đi bộ đội năm 20 tuổi, chiến đấu tại Lào. Tháng 3/1954, ông được điều về tham gia trận Hồng Cúm trong chiến dịch Điện Biên Phủ. 

“Khi từ Lào trở về, chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh chặn, ngăn không cho địch rút từ Điện Biên Phủ về Lào. Lính súng cối ở cách xa 700-800m với địch, chúng tôi ở trên đồi cao, được che khuất bởi địa hình. Địch ở dưới thấp nên bộ binh địch không thể phát hiện và cũng không thể bắn ngược lên”, ông Khả nhớ lại.

a58i6675.jpg
Ông Nguyễn Văn Khả. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo ông Khả, đơn vị hoạt động bí mật, bản thân ông chỉ biết tên đại đội trưởng, còn những người cùng tiểu đoàn không biết nhau. “Sau khi tôi về chiến đấu được 4 ngày, chiến dịch toàn thắng. Chúng tôi tiếp tục lên xe về Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới”, ông Khả nhớ lại.

Năm 1958, tại Phú Thọ, ông Khả được lệnh trở lại Tây Bắc lần thứ 2. Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đến nói chuyện và giao nhiệm vụ.

Ông Khả kể lại: "Bác Hồ nói: 'Các chú đánh Pháp tốt, lần này Trung ương, Bác đến gặp các chú, giao cho các chú một nhiệm vụ mới. Để biết nhiệm vụ gì, các chú cứ đi, Bác cùng đi'. 

Khi lên đến Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có dặn: 'Các chú đã giải phóng ở đây. Giờ các chú về làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ này cho Nhà nước'. Đó là những câu nói mà tôi mãi mãi không quên”.

Theo ông Khả, lần thứ 2 trở lại Điện Biên, nhiệm vụ đầu tiên ông và đồng đội thực hiện là thu dọn bom, mìn và quy tập hài cốt liệt sĩ. Hoàn thành nhiệm vụ, ông tham gia xây dựng kinh tế mới tại Điện Biên rồi gắn bó, gìn giữ và xây dựng mảnh đất này từ đó tới nay.

Chiến sĩ công binh 'đi trước, về sau'

Ở tuổi ngoài 90, bàn tay gân guốc chạm lên những tấm huân chương gắn trên ngực áo, ông Lại Văn Năm (SN 1932, ở xã Tam Sơn, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) - người chiến sĩ công binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhớ lại những thước ký ức “không thể nào quên”.

Trong những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, Chiến thắng Điện Biên Phủ luôn được nhắc đến như một tượng đài. Để làm nên chiến thắng vang dội ấy, có phần góp sức quan trọng của các chiến sĩ công binh, những người "đi trước, về sau", gánh vác sứ mệnh mở đường cũng như khắc phục hậu quả chiến tranh.

Đối với ông Năm, điều tự hào nhất là những năm tháng tuổi trẻ được trở thành người chiến sĩ công binh phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông kể lại, sau khi huấn luyện 3 tháng tại Trung Đoàn 177 ở Phú Thọ, năm 1953, ông được tăng cường cho mặt trận Điện Biên Phủ, biên chế vào Đại đội công binh, Trung đoàn 176, Sư đoàn 316.

Nhiệm vụ của ông Năm và đồng đội là phải loại bỏ các vật cản như bom, mìn, hàng rào dây thép gai… để mở đường cho bộ đội tiến vào căn cứ địa của địch.

a58i6542.jpg
Ông Lại Văn Năm. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đơn vị của ông Năm được chia thành nhiều tổ, mỗi tổ khoảng 9 người. Trong đó, 4 người sẽ cầm ống bộc phá (làm bằng luồng, dài khoảng 15m), 1 người đứng chỉ điểm. Sau khi giật điểm hỏa, 4 người còn lại sẽ làm nhiệm vụ cắm cờ. Bộ binh đi theo đường chuẩn đã cắm cờ sẽ an toàn, không lo dẫm phải mìn của địch.

"Không thể nói hết sự vất vả của những đợt hành quân khi đường sá đi lại rất khó khăn. Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ vào đêm tối. Mỗi lần như vậy, mọi người đều xước hết tay chân vì bị mắc vào dây thép gai của địch cũng như các loại cây có gai.

Tay chân rỉ máu nhưng người lính vẫn nghiến răng để quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, để đảm bảo an toàn cho bộ binh tiến vào”, ông Năm hồi tưởng.

Theo ông Năm, khi ấy, ai cũng ví von hình ảnh bộ đội Cụ Hồ là: “Chiến sĩ Điện Biên cái gì cũng biết, có đói là không biết; biết chết mà không sợ chết, chỉ sợ không chiến đấu được…”.

Sau mỗi trận chiến, những chiến sĩ công binh sẽ ở lại hỗ trợ cứu thương, dọn dẹp chiến trường. Họ cũng chính là người cuối cùng rời trận địa.

Nhiệm vụ khiến ông Năm ấn tượng nhất là lần phá hàng rào và bom mìn để chuẩn bị cho trận đánh sân bay Mường Thanh. Trận này tổ ông Năm phải từ bản Noong Nhai, men theo suối Nậm Rốm bò lên vị trí các tổ trinh sát đã đánh dấu.

"Khi chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ này, quân địch cũng nhiều lần soi đèn, bắn súng. Mọi người phải cúi đầu, nằm rạp xuống đất, không để phát ra tiếng động.

CLIP ÔNG LẠI VĂN NĂM CHIA SẺ:

Địch nã đạn pháo bắn ra dày đặc nhiều giờ liền, do đó, việc đào hố để chôn bộc phá rất khó khăn. Trời tối, chúng tôi phải dựa vào ánh sáng từ những quả pháo sáng mà địch bắn lên để chôn bộc phá", ông Năm nhớ lại.

Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Năm tiếp tục phục vụ trong quân đội. Năm 1960, cùng với Trung đoàn 176, ông Năm ở lại xây dựng Nông trường Điện Biên.

Năm 1964 ông lập gia đình. Giờ đây, khi đã bước vào tuổi 92, ông vẫn rất minh mẫn và khẳng định: “Những năm tháng đó tôi không thể nào quên”.

Ông Hòa Quang Toại, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Điện Biên, cho biết, hiện nay trên địa bàn có 26 chiến sĩ, 1 thanh niên xung phong tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Đa số các cụ đã yếu, chỉ còn một số cụ minh mẫn như cụ Nguyễn Văn Khả, cụ Lại Văn Năm…

Hội Cựu chiến binh huyện thường xuyên phối hợp với các ban ngành đến tặng quà, thăm hỏi, tri ân những người từng một thời làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Món quà của Tướng Giáp mà cụ ông xem là báu vật"Năm 2013, bố tôi mất. Lúc lâm chung, tâm nguyện cuối cùng của cụ là được ngắm, đặt tay lên chiếc đài - món quà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong hơi thở khó nhọc, cụ căn dặn con cháu phải gìn giữ kỷ vật này thật cẩn thận”, ông Lò Văn Biên nhớ lại.