40 năm trước, 43 người dân ở Tổng Chúp (xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng) bị sát hại và vứt xác xuống giếng trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc.
Đến nay câu hỏi về sự việc ở Tổng Chúp diễn ra như thế nào vẫn là một ẩn số mà câu trả lời nằm trong tâm trí người hiếm hoi may mắn thoát nạn.
Trang trại nuôi lợn Đức Chính bị quân xâm lược tàn phá năm 1979 |
Trong số đó có bà Đỗ Thị Hà (66 tuổi), công nhân ở trại chăn nuôi lợn Đức Chính.
Bà Hà vẫn nhớ như in từng dòng người ôm con, dắt nhau xuyên đêm băng rừng, sau lưng họ là từng đoàn xe tăng cùng tiếng pháo nổ rung trời.
Rạng sáng 17/2/1979, hàng vạn quân xâm lược tiến vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc.
Tại thị xã Cao Bằng, trong 2 ngày (17 và 18/2/1979), trước cuộc tấn công bất ngờ và ồ ạt, người dân hoảng hốt chạy trốn đến các vị trí sơ tán như Lam Sơn, Hào Lịch, Hoàng Tung (huyện Hòa An).
Bà Đỗ Thị Hà bật khóc khi nhớ lại những ngày tháng khốc liệt |
Bà Hà cùng hàng chục đồng nghiệp tập trung thành 1 đoàn khoảng 50 người, dắt díu nhau chạy vào hang ẩn náu.
“Tôi cùng mọi người chạy vào hang đá cách trại lợn khoảng 2km để trốn, đoàn người khi ấy rất đông, việc di chuyển gặp nhiều khó khăn. Ở trong hang khoảng 1 tuần, thấy quân địch tiến quá sát hang nên tôi bàn với ông Ất, trưởng trại chăn nuôi, tìm cách chạy trốn khỏi đây, ở lâu sẽ để lại hậu quả khó lường”, bà Hà nhớ lại.
Sau cuộc bàn bạc nhanh, tối 25/2/1979, cả đoàn thống nhất di tản trong đêm, lần theo đường núi để cố gắng chạy sang Tài Hồ Sìn (huyện Hòa An). Trong màn đêm, đoàn người nối đuôi nhau băng qua cánh rừng rậm....
Nhưng đêm trôi qua, đoàn tìm đường do ông Ất dẫn vẫn không quay trở lại.
“Tôi bàn với anh Minh, Bí thư chi đoàn, nếu cứ ngồi chờ sẽ càng thêm nguy hiểm, nên phải tiếp tục lên đường. Với sự chỉ dẫn của một người bản địa, chúng tôi tìm đường tắt đi qua Tài Hồ Sìn”, bà Hà tiếp tục câu chuyện.
Tấm bảng khắc ghi tội ác |
Cung đường đến nơi sơ tán bắt buộc phải đi qua làng Tổng Chúp. Khi đến làng, do trong đoàn có nhiều trẻ em, phụ nữ, các cháu đói và khóc rất nhiều buộc chúng tôi phải tạm dừng để ăn uống, chờ thời điểm thích hợp sẽ tiếp tục lên đường.
Mờ sáng 28/2, cả đoàn lên đường, phía trước họ là một khúc sông. Mùa xuân năm đó, nước sông chưa lên cao, cả đoàn bồng bế, cõng trẻ em lội qua sông. Không may, phía bên kia dòng sông, cả nghìn quân TQ đã lập doanh trại, lính gác đi lại canh gác liên tục.
Hoảng sợ khi phát hiện doanh trại quân địch, đoàn người không còn cách nào khác phải quay lại làng Tổng Chúp để lẩn trốn dưới các căn hầm.
Trại lợn Đức Chính hoang tàn đổ nát |
“Tại Tổng Chúp có khoảng 10 căn hầm, mỗi hầm cách nhau khoảng 20m. Khi ấy nhóm hơn 40 người muốn ở cạnh nhau nên chọn các căn hầm nằm sát nhau để sinh hoạt.
Cả đoàn trú ẩn dưới hầm trong khoảng 1 tuần, chúng tôi cùng nhau nấu nướng, ăn uống và sinh hoạt trong lặng lẽ, cố gắng không gây sự chú ý với lính TQ. Tuy nhiên, với nhóm người quá đông, việc bị phát hiện là điều khó tránh khỏi và cuối cùng buổi tối định mệnh ấy cũng đến...
“Khi ấy khoảng 6h chiều, trời nhá nhem, tôi ở trong hầm bên này nghe thấy tiếng hét lớn, chửi bới vọng lên từ các căn hầm. Sau đó, tiếng trẻ em khóc thét...”, bà Hà đau đớn nhớ lại.
Trại chăn nuôi lợn hiện nay đã được khôi phục, tiếp tục phát triển |
Trúng lựu đạn, bà Hà bị thương ở mặt và bụng và được buộc vào tấm ván rồi cáng lên khỏi hầm. Không ai nghĩ là người phụ nữ tuổi 25 sẽ sống sót sau loạt lựu đạn ấy.
“Mất quá nhiều máu, mê man nên khi bị tra hỏi, tôi không thể nói được gì và bị chúng bỏ lại ở bãi đất trống.
Sau này, tôi mới biết rằng, buổi tối định mệnh ấy đã cướp đi sinh mạng của 43 người, trong đó có những đứa trẻ miệng vương hơi sữa còn nằm trên tay mẹ…”, bà nói. Mỗi khi nhìn thấy những bạn trẻ tuổi mười chín đôi mươi, tủi thân, bà lại ngồi khóc.
Đoàn Bổng
Nhạc sĩ tài hoa 'chép sử' chiến tranh biên giới Vị Xuyên
Chàng lính tuyên văn của Sư đoàn 356 chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên giai đoạn 1979-1989 là một nhạc sỹ tài hoa: Trương Quý Hải.