Vải thiều Bắc Giang nổi danh toàn cầu
Với sản lượng lên tới gần 200.000 tấn mỗi năm, lại thu hoạch rộ trong thời gian ngắn nhưng gần một thập kỷ trở lại đây, người nông dân trồng vải thiều Bắc Giang không còn nỗi lo được mùa mất giá. Doanh thu từ loại quả đặc sản này ngày càng tăng cao. Giữa vườn đồi, người nông dân lãi tiền tỷ khi vải thiều vào mùa trái chín đỏ.
Thành quả này nhờ vào sự nỗ lực của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp và người nông dân. Theo đó, vải thiều Bắc Giang chinh phục thị trường nội địa, xuất hiện trên quầy kệ tại các hệ thống siêu thị lớn ở nước ta.
Vải thiều Bắc Giang cũng vươn ra thế giới. Ngoài thị trường truyền thống Trung Quốc, quả vải thiều của Việt Nam nói chung và Bắc Giang nói riêng thành công chinh phục thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…
Thậm chí, vải thiều còn “cháy hàng” khi bày bán tại siêu thị Nhật, được nhiều người dân ở đây trao đổi thường xuyên và trở thành "câu chuyện làm quà” trước khi bàn công việc chính.
Nổi danh toàn cầu, vụ vải thiều 2023, các chuyến xe chở đầy vải thiều Bắc Giang lại nối đuôi nhau lên đường xuất ngoại, thâm nhập nhiều thị trường cao cấp trên thế giới từ Á sang Âu cho tới Mỹ, Úc, Trung Đông...
Ngày 20/6, lô hàng vải thiều tươi đầu vụ 2023 của tỉnh Bắc Giang qua đường hàng không đã đến Houston (Mỹ). Ngay sau đó, vải thiều được bán đồng loạt tại nhiều siêu thị và chợ châu Á lớn nhất ở Houston, Texas, gồm các siêu thị lớn như: Hong Kong, Tân Bình, Việt Hoa, Linda’s Tropical Fruits, Ca Mau,...
Giá bán lẻ cho khách hàng là 14-15 USD mỗi pound (tương đương khoảng 780.000 đồng mỗi kg); hoặc 140 USD cho gói 11 pound (5kg), tương đương 3,2 triệu đồng (640.000 đồng/kg).
Cùng thời điểm, các lô vải thiều của Bắc Giang cũng lên đường sang Nhật Bản, xuất hiện tại hệ sống siêu thị với giá bán lẻ dao động từ 400.000-550.000 đồng/kg.
Đến đầu tháng 7, những quả vải thiều của Bắc Giang lại tiếp tục xuất hiện tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn ở Thái Lan với giá giá 299 Bạt/pack (1kg), tương đương hơn 200.000 đồng/kg.
Ông Somkiat Wongsakulchai - Giám đốc Điều hành của công ty Ekthai (đơn vị phân phối tại Thái Lan), đánh giá, vải Việt Nam có vị ngon hơn vải của Thái Lan và Trung Quốc. Quả vải có màu đẹp, hạt nhỏ, cùi mọng nước và rất thơm, ngọt.
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi bán quả vải Việt Nam tại 7 siêu thị tại Bangkok của Mall Group và sẽ mở rộng ra tất cả chi nhánh trong năm tới. Tôi nghĩ rằng, người tiêu dùng Thái sẽ rất quan tâm nhiều tới mặt hàng vải của Việt Nam”, ông nhấn mạnh.
Đắt khách từ nội địa đến quốc tế, doanh thu từ quả vải thiều và dịch vụ phụ trợ đạt 6.000-7.000 tỷ đồng/năm. Vải thiều trở thành cây trồng hàng hoá mũi nhọn của tỉnh Bắc Giang, giúp người nông dân làm giàu.
Nhiều cách quảng bá thương hiệu đặc biệt
Song, không dừng ở đó. Người nông dân và chính quyền địa phương vẫn tiếp tục quảng bá thương hiệu vải thiều Bắc Giang bằng những cách làm đặc biệt.
Cuối tháng 6, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, hợp tác xã, các chuyên gia cùng 40 TikToker nổi tiếng tụ hội tại thôn Kép 1 xã Hồng Giang để livestream quảng bá, bán một số sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Bắc Giang như: Vải thiều, mì Chũ, tương La... Chỉ vài tiếng đồng hồ, các TikToker đã chốt đơn được 23 tấn vải thiều và nhiều sản phẩm khác. Hoạt động quảng bá thương hiệu lan toả tới rộng khi có tới gần 1,7 triệu lượt xem.
Trong khi đó, ở thôn Chão (Giáp Sơn, Lục Ngạn), ông Trần Văn Hành là một trong những người tiên phong liên kết với doanh nghiệp xây dựng mô hình du lịch vườn vải thiều và bán vải nguyên cây ở địa phương cho du khách. Đích thân ông hoặc hướng dẫn viên du lịch, kể tường tận về quy trình trồng và chăm sóc vườn để tạo ra quả vải thiều chất lượng cao.
"Tôi muốn làm nông nghiệp đa giá trị, không chỉ đơn thuần là trồng vải bán quả mà bán cả câu chuyện trên đồi vải, đồng thời thông qua khách du lịch quảng bá thương hiệu vải thiều Bắc Giang. Tôi đang trồng thử nghiệm loại vải thiều cho chất lượng đặc biệt, hướng tới phân khúc cao cấp”, ông nói.
Hồi tháng 6 vừa qua, khi đi tham quan mô hình “Cây vải vườn nhà”, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan liền mê mẩn, bày tỏ cảm xúc “quá tuyệt vời” rồi đặt mua nguyên cây vải thiều tại vườn của một hộ nông dân ở Lục Ngạn.
Theo Bộ trưởng, mô hình vườn vải du lịch sinh thái chính là một kênh quảng bá và tiêu thụ nông sản tại chỗ rất hiệu quả. Đây cũng là một kênh tiêu thụ đặc biệt khi du khách đến có thể trực tiếp trải nghiệm và cảm nhận được chất lượng trong từng trái vải, cảm nhận được trách nhiệm cao của người nông dân.
Những mô hình độc đáo như vườn vải du lịch sinh thái sẽ giải quyết sự mù mờ cho các nhà phân phối nội địa, qua đó kết nối chuỗi tiêu thụ nông sản từ vườn tới hệ thống các siêu thị và trung tâm thương mại.
“Sự kiện trình diễn thời trang giữa vườn vải xanh ngắt, với những bộ trang phục thiết kế từ cảm hứng về quả vải, gửi gắm thông điệp tôn vinh vải thiều Bắc Giang”, Bộ trưởng nói.
"Trên trái đất làm gì có đường, con người đi mãi mà thành đường", Bộ trưởng nói. Theo ông, Bắc Giang đã mạnh dạn, chủ động tìm ra con đường phù hợp với mình, hướng đến mục tiêu mới. Đó là con đường chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Thông qua “tour hái vải đêm” , các bạn trẻ giúp cho vườn vải thêm phần cuốn hút. Qua cảm hứng thiết kế vải thiều vào trang phục trình diễn, các bạn trẻ giúp cho nông sản tự tin “bước vào” lĩnh vực mới. Nở những nụ cười rạng rỡ, nhẹ nhàng gật đầu chào đón, gửi lời cảm ơn chân tình, các bạn trẻ tạo nên ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách: vườn vải không chỉ là điểm đến trải nghiệm, mà như về thăm quê nhà thiết thân.
Bộ trưởng nhớ tới “Hiệu ứng cánh bướm” và hy vọng “Cánh bướm” ở Chão Cũ sẽ lan toả giá trị mới, giá trị của sinh thái, tự nhiên, ra Giáp Sơn, rồi cả miền Lục Ngạn và phủ khắp Bắc Giang. “Cánh bướm” từ những vườn vải sẽ tạo hiệu ứng tích cực lan toả đến các vườn cây ăn quả và các ngành hàng nông sản khác của nước ta.