Toàn tỉnh Thanh Hoá hiện còn 3,52% hộ nghèo; tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,57%, tính đến cuối năm 2023. Riêng tại các huyện nghèo, hiện vẫn còn hơn 18.900 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 20,91%); số hộ cận nghèo: 24.514 hộ, chiếm tỷ lệ 27,06%. Năm 2024, tỉnh Thanh Hoá đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5% trở lên, nghĩa là đưa tỷ lệ hộ nghèo về mức khoảng 2%.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo. Đề án này thực hiện tại 6 huyện nghèo gồm: Lang Chánh, Thường Xuân, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn và Mường Lát.
Tại huyện Quan Sơn, hơn 30% số hộ gia đình thuộc diện nghèo. Huyện miền núi cao, biên giới này cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng lớn của các loại hình thiên tai như hạn hán, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Vì vậy, huyện gặp không ít khó khăn trong hỗ trợ xây dựng nhà cho các hộ nghèo. Trong 2 năm, 2024-2025, huyện Quan Sơn đặt ra mục tiêu phấn đấu xây dựng mới, sửa chữa hơn 1.000 nhà ở cho hộ khó khăn.
Năm 2024, huyện đã phê duyệt hỗ trợ kinh phí xây dựng, hoặc sữa sữa nhà cho 423 hộ. Công tác rà roát, lập danh sách được thực hiện công khai, dân chủ, đúng đối tượng.
Gia đình chị Lương Thị Trương ở bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, có hoàn cảnh khó khăn. Thu nhập từ lao động sản xuất chỉ đủ ăn nên vợ chồng chị chưa bao giờ nghĩ đến chuyện xây nhà kiên cố.
Mới đây, gia đình chị nhận được số tiền hỗ trợ 40 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước và 4 triệu đồng ngân sách địa phương, vợ chồng chị quyết định vay mượn thêm của người thân, họ hàng, đồng thời trích số tiền ít ỏi tích cóp nhiều năm để xây ngôi nhà sàn theo phong tục, tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc Thái.
Chị Lương chia sẻ có nguồn hỗ trợ của Nhà nước, gia đình chị mới có động lực để xây nhà ở kiên cố. Đây sẽ là đòn bẩy để vợ chồng chị yên tâm sinh sống, có động lực lao động để sớm thoát khỏi hộ nghèo.
Ghi nhận tại huyện Quan Sơn, sau khi rà soát, toàn huyện có 1.326 hộ cần hỗ trợ làm nhà ở, trong đó xây mới 671 hộ, sửa chữa 655 hộ. Đơn cử, xã Trung Hạ (Quan Sơn) hiện có 283 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ xây mới và sửa chữa. Các ngôi nhà cần được xây dựng theo tiêu chí 3 cứng: cứng nền, cứng tường, cứng mái.
Xã đã thành lập Ban chỉ đạo, chia thành các tổ, phân công nhiệm vụ và trực tiếp đến cơ sở thực hiện rà soát, phân loại các hộ cần được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở. Trước hết, xã ưu tiên cho các hộ gia đình nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thuộc diện hộ nghèo được làm mới trước, các hộ còn lại làm sau.
Tại huyện Như Thanh, gia đình ông Lê Việt Đức ở thôn Tân Bình, xã Tân Phúc, cũng là hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ kinh phí 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở mới. Được ban quản lý thôn, bà con lối xóm động viên, chia sẻ, chung tay hỗ trợ cùng số tiền tích cóp, vay mượn thêm, gia đình ông đã có một ngôi nhà kiên cố để an tâm sinh sống.
Trong khi đó ở huyện Lang Chánh, theo kết quả rà soát danh sách hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ còn khó khăn về nhà ở trong 2 năm 2024-2025, có 2.008 hộ hộ đủ điều kiện đưa vào danh sách đề nghị hỗ trợ, trong đó làm mới 1.171 hộ, sửa chữa 837 hộ.
Tại địa phương này, ngoài nguồn kinh phí từ Nhà nước, Ủy ban MTTQ huyện cùng các đoàn thể cũng tổ chức vận động các hội viên lan tỏa tinh thần chung tay giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo xây mới, sửa chữa nhà ở. Đồng thời, huyện phát huy cao nhất khả năng huy động nguồn lực từ cộng đồng, các nhà cung cấp vật liệu và hộ gia đình để việc xây mới, sửa chữa nhà đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2023 đến nay, từ nguồn vốn Quỹ Vì người nghèo tỉnh và sự chung tay của cộng đồng, xã hội, đơn vị đã phối hợp hỗ trợ xây mới và sửa chữa hơn 2.100 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo, tổng kinh phí khoảng 128 tỷ đồng. Toàn tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 5.000 hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà, từ đó giúp các hộ nghèo có nhà ở, ổn định đời sống, góp phần giảm nghèo.