Trước kỳ họp, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội về tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, Chính phủ đề xuất mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực điện tử; nâng thời hạn thị thực điện tử lên đến 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; nâng thời hạn tạm trú cho khách nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Tuy nhiên, ngoài các đề xuất sửa đổi trên, các công ty lữ hành phản ánh họ vẫn mất nhiều thời gian với thủ tục cấp thị thực cho khách quốc tế.
Có công văn trong tay, đến sân bay vẫn chờ
Lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch inbound tại Hà Nội chia sẻ, một cặp vợ chồng người Srilanka muốn đến Việt Nam nghỉ tuần trăng mật. Họ bay từ Melbourne (Australia) sang. Cô vợ có quốc tịch Australia nên xin thị thực điện tử khá thuận lợi. Người chồng mang quốc tịch Srilanka, tuy đã có công văn cho phép lấy thị thực tại cửa khẩu (visa on arrival) tưởng mọi thứ sẽ dễ dàng, nhưng vẫn phải chờ đợi.
Thông thường, với visa on arrival, khách chỉ cần cầm hộ chiếu còn hạn, đến sân bay và dán visa, trả phí là xong. Thế nhưng, tại Việt Nam, khách phải có công văn chấp thuận visa Việt Nam của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh phê duyệt.
Trước khi tới Việt Nam, cặp vợ chồng người Srilanka cẩn thận đặt dịch vụ với hãng lữ hành, công ty làm visa tại Australia, đã có công văn lấy thị thực tại cửa khẩu. Thế nhưng, khi đến sân bay Tân Sơn Nhất, nhân viên cửa khẩu yêu cầu người chồng phải khai thông tin vào Đơn xin visa nhập cảnh theo mẫu, chờ chụp ảnh thẻ.
Quá trình này, khách phải chờ đợi rất lâu và được giải thích là do thiếu người, nhân viên làm thủ tục còn “phải đổi ca, đang bận”. Do đó, thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu sân bay khiến khách mất thêm 3 tiếng, nên tới 7h30-8h tối cặp vợ chồng mới về đến khách sạn”, lãnh đạo công ty du lịch kể.
Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, cho rằng, quy định khách nước ngoài phải có công văn cho phép lấy visa tại cửa khẩu của Việt Nam, về bản chất chưa phải là visa on arrival.
Theo ông Nguyễn Đức Chí, nguyên phó Trưởng phòng Lữ hành (Sở Du lịch TP.HCM), hiểu đúng thì visa on arival là khi khách đến cửa khẩu (thường là cửa khẩu sân bay quốc tế) mới làm visa, nên lúc đó cũng hên xui. Có nước, như Mông Cổ, không có nhiều đại sứ quán, hầu như 100% khách bay đến được cấp luôn visa tại sân bay. Tùy điểm đến, có nước thu thêm lệ phí, có nước miễn. Với khách đi đột xuất, không chuẩn bị kịp thủ tục xin thị thực điện tử (evisa) thì làm visa on arrival.
Tính đến năm 2019, có hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ cấp visa on arrival cho công dân Việt Nam.
Một số quốc gia rất thông thoáng với loại visa này. Ví như, khách nhập cảnh chỉ cần trình vé máy bay khứ hồi sẽ được đi tiếp nước thứ ba.
Hay đến Thái Lan, khách quốc tế chỉ cần hộ chiếu còn hạn trên 6 tháng, hải quan tra cứu không thấy ‘có vấn đề đặc biệt cần hạn chế’ và chứng minh có vé máy bay hai chiều. Đến Campuchia cũng rất dễ dàng. Khách không cần làm thủ tục gì trước, chỉ cần khai vào thẻ nhập cảnh được phát trên máy bay. Khi hạ cánh, họ mang thẻ kèm hộ chiếu, nộp phí là được dán visa. Nguy cơ bị từ chối là rất ít.
Cần vận dụng linh hoạt
Trong khi đó, tại Việt Nam, một công ty lữ hành chuyên đón khách inbound tại Hà Nội cho hay, muốn có giấy phép này, khách nước ngoài không tự xin được. Họ phải thông qua công ty du lịch. Hơn nữa, khách cũng được chỉ định nhập cảnh tại một cửa khẩu (thường là điểm bắt đầu hành trình tour).
Để xin được giấy duyệt visa, phía công ty lữ hành phải bảo lãnh cho khách, như lên chương trình tour, trong đó nêu rõ lưu trú ở đâu, tên khách sạn,...
Do đó, nhiều công ty không mặn mà với những khách lẻ bởi sự ràng buộc trách nhiệm quá lớn, trong khi hậu dịch Covid-19 họ đã rất khó khăn, nhân sự thì thiếu.
Thủ tục xin visa on arrival cần đơn giản, thuận tiện mới thu hút được khách nhà giàu, nhiều tiền, ít thời gian. Họ thích là ‘xách ba lô lên và đi’, nên việc xin visa càng phải nhanh chóng, dễ dàng.
Bà Nghiêm Thúy Hà, CEO Aadasia Group, kiến nghị, trong các sửa đổi liên quan đến chính sách visa tới đây, quan trọng nhất là mở rộng diện các quốc gia được miễn thị thực điện tử, tiến tới triển khai visa on arrival tại Việt Nam.
Bà góp ý, cơ quan chức năng cần tính đến việc cấp visa on arrival để khuyến khích khách sang trọng, nhiều tiền, ít thời gian,... đến Việt Nam, tương tự như Thái Lan, Lào, Campuchia đang làm.
Ông Nguyễn Đức Chí cũng cho rằng, visa on arrival là linh hoạt vận dụng, khác với evisa. Thị thực điện tử chỉ là thay đổi hình thức từ trực tiếp sang trực tuyến, nhưng visa on arrival có thể có những thủ tục thoáng hơn nếu biết vận dụng. Do đó, Việt Nam cần sớm áp dụng visa on arrival theo hướng linh hoạt, công khai, thuận tiện cho khách quốc tế.