Bộ Công an dự kiến đề xuất Quốc hội đưa nội dung thay đổi chính sách visa và thị thực điện tử vào một Nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp gần nhất (5/2023). Đây là căn cứ để Chính phủ chỉ đạo triển khai ngay, tránh lỡ cơ hội đón khách quốc tế.
Tại Hội thảo Hiến kế hút khách quốc tế diễn ra ngày 22/3, đại tá Đặng Tuấn Việt - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an), cho biết, Bộ Công an đang gấp rút hoàn thành Dự án sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014.
Từ ngày 14/3, Bộ đã đăng tải dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung trên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến đóng góp của các bộ ngành, doanh nghiệp và người dân.
Đại tá Đặng Tuấn Việt chia sẻ, nội dung thay đổi quan trọng, nổi bật tại dự thảo luật là chính sách mở rộng miễn thị thực đơn phương và mở rộng thị thực điện tử.
Cụ thể, thứ nhất, Bộ Công an đề xuất mở rộng diện các quốc gia được cấp thị thực điện tử, từ 80 quốc gia hiện nay sẽ mở rộng tối đa cho các nước, số lượng nước bị hạn chế sẽ không đáng kể.
Thứ hai, nâng thời hạn cho người được cấp visa điện tử từ 30 lên 90 ngày, giá trị một lần hoặc nhiều lần, căn cứ trên nhu cầu của khách, đảm bảo cho khách được xuất nhập cảnh nhiều lần, thực hiện công việc kinh doanh hoặc tour kết nối.
Thứ ba, kéo thời gian tạm trú với khách được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương từ 15 đến 30 ngày và có thể gia hạn thời gian lưu trú, nếu có nhu cầu.
Đại tá Đặng Tuấn Việt cho hay, Bộ Công an cần có thời gian trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để Quốc hội thông qua. Quá trình này mất nhiều thời gian, có khi phải hết năm 2023, bởi còn phải qua thẩm định, phản biện, với nhiều ý kiến đóng góp.
Để đáp ứng yêu cầu thực tế, Bộ Công an dự kiến đề xuất Quốc hội đưa các nội dung cơ bản liên quan đến chính sách thị thực điện tử và miễn thị thực vào một Nghị quyết chung của Quốc tại kỳ họp gần nhất (kỳ họp tháng 5/2023). Theo ông Việt, đó chưa phải là quy định của luật nhưng là căn cứ quan trọng để Chính phủ chỉ đạo triển khai ngay, đặc biệt tranh thủ thời gian cao điểm đón khách quốc tế trong năm.
Ngoài ra, tới đây, Bộ Công an sẽ nâng cao năng lực chuyển đổi số trong hoạt động xuất nhập cảnh, hạn chế sự chậm trễ tại cửa khẩu.
Trong đó, có việc triển khai cổng kiểm soát tự động tại các cửa khẩu quốc tế, khách nước ngoài đáp ứng được yêu cầu sẽ không phải phỏng vấn, kiểm soát trực tiếp, chỉ cần quẹt hộ chiếu là cửa mở.
Trước một số ý kiến cho rằng, thái độ của cán bộ nhân viên cửa khẩu chưa niềm nở, đại tá Đặng Tuấn Việt nhấn mạnh, việc chào khách trước khi vào ca và nở nụ cười khi đón khách đã được triển khai nhiều năm nay. Ông cho biết sẽ kiểm chứng thông tin trên.
Chính sách thị thực của Việt Nam được khôi phục hoàn toàn như năm 2019 từ ngày 15/3/2022. Nước ta đang miễn thị thực cho 25 nước, ngoài 12 quốc gia/vùng lãnh thổ trong ASEAN là 13 quốc gia được miễn đơn phương, thời gian miễn 15 ngày; khách nếu muốn gia hạn, ở lại tham quan cần được các DN lữ hành, du lịch quốc tế bảo lãnh, tối đa là 30 ngày.
Về thị thực điện tử, e-visa Việt Nam có thời gian tạm trú 30 ngày. Khách có thể đăng ký xin cấp visa trên trang của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, lệ phí 25 USD, sau 3 ngày sẽ được giải quyết.
Sau 1 năm mở cửa du lịch, Bộ Công an đã cấp khoảng 1,5 triệu thị thực điện tử, gấp 6-7 thị thực truyền thống. Việt Nam đang áp dụng thị thực điện tử với 80 quốc gia.
Sau 1 năm Việt Nam mở cửa du lịch, lượng khách quốc tế vẫn èo uột. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện chính sách visa theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử.
Công ty lữ hành cho rằng số quốc gia được miễn visa vào Việt Nam ít, thời gian lưu trú ngắn so với các nước khác. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Khó khăn trong việc xin visa vào Việt Nam làm khách quốc tế chuyển sang đi Thái Lan, Singapore... Chuyên gia cho rằng, những hạn chế của du lịch Việt Nam đang bị đối thủ biến thành lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua hút khách nước ngoài.