"Ông ăn chả, bà ăn nem" để trả thù
Xuân cùng Thức gặp gỡ khi cả hai vào thực tập ở một ngân hàng. Ngày được vào làm chính thức cũng là lúc cả hai công khai tình cảm, tính chuyện trăm năm. Cưới xong hai đứa chưa thể tự mua nhà nên Thức về ở rể. Dù mang tiếng là ở rể nhưng anh được bố mẹ vợ tạo điều kiện hết mức, coi không khác con trai. Ông bà còn quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ.
Cuộc sống của cả hai cũng được coi là viên mãn khi vợ chồng chưa bao giờ to tiếng. Sau khi cưới xong, Xuân chuyển đơn vị sang làm nơi khác. Hai vợ chồng cũng dành dụm mua được một căn chung cư nhỏ gần nhà ông bà. Tính Thức hiền lành, thuần túy, ngoài công việc ra chỉ biết đến vợ con.
Người ta thường nói, đàn ông không rượu chè, cờ bạc, nghiện hút, lăng nhăng bây giờ hiếm hoi, có lẽ chẳng tồn tại trên đời nhưng lại hội tụ ở Thức. Cũng chính vì vậy mà Xuân tin tưởng tuyệt đối ở chồng. Thế nhưng đến một ngày, cô sốc nặng khi phát hiện ra chồng say nắng một em thực tập.
Xuân đã vô tình đọc được tin nhắn giữa hai người. Họ còn hẹn hò tại nhà hàng vào đúng hôm kỉ niệm ngày cưới của vợ chồng Xuân. Hôm đó, Xuân đến nhà hàng đặt bàn và dự tính là đưa cả nhà đến tổ chức tiệc vào buổi tối.
Khi đến đã bắt gặp hai người đang ăn uống vui vẻ và có những cử chỉ rất thân mật. Trở về nhà sau cuộc nói chuyện nảy lửa, Thức mới thú nhận là anh đang rung động với cô gái trẻ kia bởi hôn nhân lâu năm khiến anh nhàm chán.
Cả hai người đã qua lại mấy tháng nay. Xuân đã phát điên khi nghe những lời chồng nói, kiên quyết đòi li hôn. Bố mẹ Xuân không đồng tình, còn ra sức nói giúp con rể, khuyên nhủ con gái bình tĩnh. Ông bà nói anh ngoại tình là sai nhưng nên cân nhắc vì tương lai của con và cũng thấy anh luôn hiếu thảo.
Sau thời gian khủng hoảng, Xuân cũng đã chấp nhận nghe lời bố mẹ, nhưng trong lòng vẫn còn hận chồng. Sau lần bắt gặp chồng "ăn vụng", gia đình bắt đầu có những xích mích.
Xuân đã gặp một người đồng nghiệp từng giúp đỡ cô ngày còn mới vào làm. Anh có một đời vợ nhưng cả hai sớm li hôn. Ngày trước anh ta có ý định với Xuân nhưng khi biết cô có người yêu nên đã rút lui.
Nhưng khi gặp lại nhau, Xuân đã yếu lòng mà ngã vào vòng tay người đàn ông này. Xuân lao vào cuộc tình ấy chỉ vì muốn "trả thù", dày vò chồng đã phản bội mình. Nhưng rồi khi xa vào lưới tình, Xuân không làm sao dứt bỏ. Cuộc hôn nhân của hai người từ đó thường xuyên xảy ra những mâu thuẫn.
Sai lầm khi trả thù bằng cách ngoại tình
Thực tế có nhiều cặp đôi trả đũa hành vi phản bội của chồng/vợ bằng cách "ông ăn chả, bà ăn nem". Có người cho rằng việc "trả đũa" nhau như vậy sẽ giúp giải tỏa căng thẳng khỏi stress.
Họ cảm thấy hả hê vì mình đã "ăn miếng trả miếng" khi trả thù được vì đã cho kẻ bội tình một bài học. Một thực tế, đa số những người đi "ăn nem" để trả đũa, ý định ban đầu của họ thường chỉ là cảnh cáo hay cho nửa kia của mình một bài học mà vẫn còn yêu.
Nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra khi "ông ăn chả bà ăn nem" thường dẫn tới li hôn ngoài ý muốn của họ hoặc kéo dài cuộc hôn nhân lủng củng suốt cả cuộc đời.
Bởi vậy, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng, sự trả đũa bằng ngoại tình khi nửa kia của mình "sa ngã" thường chỉ là bước đệm bên bờ vực của sự đổ vỡ hoàn toàn.
Cách trả thù chồng/vợ ngoại tình bằng việc ngoại tình không chỉ khiến người trong cuộc tổn thương mà còn dẫn tới hệ lụy con cái. Con cái sẽ nghĩ thế nào trong một gia đình mà cả hai bố mẹ đều sẵn sàng vứt bỏ tất cả để trả thù nhau.
Phải chăng khi tình yêu đã hết mà tổn thương quá nhiều thì giải pháp chia tay vẫn là tốt. Ít nhất cũng không tồi hơn là tự hạ mình xuống cũng làm kẻ phản bội để trả thù người mình từng yêu.
Theo Gia đình và Xã hội